Tổ chức trợ giúp pháp lý National Legal Aid (NLA) và Đại học RMIT tại Úc đã tổ chức giới thiệu một công nghệ xuất phát từ Hà Lan, vốn có khả năng biến những vụ kiện tụng mất nhiều thời gian và tiền bạc trở thành quá khứ.
Nhiều tranh chấp dân sự giờ đây có thể giải quyết thông qua một "phiên tòa trực tuyến" - Nguồn: Bloomberg
Sản phẩm có tên Rechtwijzer (Legal Pointer trong tiếng Anh, tạm dịch là "chiếc kim pháp luật"), là một công nghệ được phát triển từ Hà Lan. Đây được xem là công cụ trợ giúp, tư vấn luật pháp cho con người thông qua robot, thuật toán, máy học, được mô tả có thể chịu trách nhiệm xử lý nhiều vấn đề như thủ tục ly hôn, tranh chấp tiền thuê nhà, các vấn đề về việc làm, nợ và khách hàng.
Việc sử dụng công nghệ để giải quyết tranh chấp đã xuất hiện ở Hà Lan từ lâu, và hiện tại Anh và Canada đang áp dụng cách làm này. Tại Canada, tỉnh British Columbia đang thiết lập một tòa án giải quyết vấn đề dân sự trực tuyến trong mùa hè năm nay, để xử lý các tranh chấp nhà đất, chỗ ở.
Đây là biện pháp rất cần thiết vì từ những phàn nàn rất nhỏ như tiếng ồn, nước đổ trên mái nhà, người dân vẫn thường phải kiện lên tòa án tối cao và mất hàng ngàn USD để có được phán quyết, theo bà Suzanne Anton, Bộ trưởng Tư pháp ở British Columbia.
Ở Hà Lan, Rechtwijzer đã được cơ quan Legal Aid Board (Ban Trợ giúp pháp luật) đưa vào sử dụng từ năm 2007, dành cho các trường hợp ly hôn hay ly thân. Nó đã giúp các cơ quan phụ trách pháp lý giải quyết khoảng 700 vụ ly hôn hằng năm và đang mở rộng để giải quyết những tranh chấp giữa chủ nhà với người thuê nhà cũng như người sử dụng lao động và người lao động.
Để tiếp cận Rechtwijzer, các cặp đôi bỏ ra 100 euro. Hệ thống này sẽ bắt đầu hỏi mỗi người về độ tuổi, thu nhập, học vấn và những thông tin khác. Sau đó Rechtwijzer sẽ hướng dẫn họ thông qua những câu hỏi khác về nguyện vọng.
Lấy ví dụ khi một cặp vợ chồng có con, họ sẽ được hỏi liệu ai muốn giữ đứa trẻ, hay muốn giải quyết theo hướng đứa trẻ sẽ luân phiên ở với hai người... Bằng các thuật toán, nền tảng trực tuyến này sẽ tìm ra những điểm đồng thuận của đôi bên, sau đó đề xuất giải pháp.
Trong trường hợp cần thiết, người dùng sẽ tốn thêm 360 euro để tìm một "người hòa giải" chuyên nghiệp và sẽ nhận phán quyết ràng buộc sau cùng từ một bồi thẩm đoàn. Tuy vậy, số vụ khó như thế chỉ chiếm khoảng 5%.
Dù các nền tảng kiểu như trên mới chỉ giải quyết những trường hợp nhỏ, nhưng có thể thấy nó là bước tiến trong việc giúp người dân tiếp cận nhiều hơn với luật pháp. Một số người không muốn bên thứ ba nghe được chuyện của họ, hoặc đơn giản không có nhiều tiền để thuê luật sư, đây là lựa chọn khá ổn thỏa. Có điều, ở góc độ thu nhập, các luật sư có thể sẽ không thích giải pháp này.