Tại hội thảo về tổn thất điện năng (TTĐN) do Hội Điện lực miền Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Nam phối hợp tổ chức mới đây tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các chuyên gia cho rằng ngành điện Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tổn thất điện năng còn ở mức cao.
Tổn thất còn cao
Trong tham luận báo cáo tại hội thảo, dẫn thống kê tình hình TTĐN toàn cầu năm 2013, ông Nguyễn Tấn Nghiệp, Hội Điện lực miền Nam, cho biết chỉ số TTĐN của Việt Nam là 8,95%, xếp thứ 88/137 quốc gia. Quốc gia có chỉ số TTĐN cao nhất là Togo (87,39%) và thấp nhất là Singapore (0,49%). Ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Singapore, Thái Lan và Malaysia có chỉ số TTĐN thấp hơn nhiều so với Việt Nam. Cụ thể Thái Lan đứng hàng 114 (6,24%), Malaysia đứng hàng 129 (4,04%).
Theo ông Nguyễn Tấn Nghiệp, TTĐN là vấn đề lớn của các quốc gia, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam phải đặc biệt quan tâm. Ông Nghiệp chỉ ra nhiều nguyên nhân gây TTĐN, như TTĐN do phụ thuộc dòng điện, điện áp, chất lượng điện năng; do phát nhiệt trên điện trở dây dẫn, trên dây quấn MBA; do thiết kế và vận hành hệ thống điện... TTĐN trong hệ thống điện chủ yếu là TTĐN kỹ thuật và TTĐN thương mại (chủ yếu xảy ra ở lưới điện phân phối). Ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TTĐN thương mại là do tình trạng câu trộm, trộm cắp điện rất tinh vi và xảy ra khá phổ biến.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết thời gian qua, toàn ngành điện đã thực hiện hiệu quả giảm TTĐN và kéo giảm tỉ lệ TTĐN xuống dưới 8%, thấp hơn một con số so với xếp hạng nói trên. Cụ thể trong giai đoạn 2011-2015, EVN hạ được tỉ lệ TTĐN từ 9,23% năm 2011 còn 7,94% năm 2015. Những đơn vị giảm tỉ lệ TTĐN tốt như Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) từ 5,51% còn 5,19%; Điện lực TP HCM từ 5,76% còn 4,66%; EVNNPT từ 2,56% còn 2,34%...
Hội thảo về “Tổn thất điện năng” do EVNSPC và Hội Điện lực miền Nam tổ chức tại huyện Côn Đảo Ảnh: Đình Hoàng
Theo đánh giá của EVN, trong giai đoạn này, mặc dù còn nhiều khó khăn, đặc biệt do nguồn điện chưa cân bằng trong các miền, lưới điện còn khu vực mang tải cao, quá tải, tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn với khối lượng lớn nhưng toàn ngành vẫn kéo giảm được tỉ lệ TTĐN xuống 7,94%, hoàn thành chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định 854, ngày 10-7-2012.
Triển khai đồng bộ giải pháp
Hiện nay, ngành điện đang khẩn trương triển khai kế hoạch giảm TTĐN giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu giảm tỉ lệ TTĐN xuống 6,5% vào năm 2020.
Để thực hiện mục tiêu trên, EVN yêu cầu các đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó về quản lý kỹ thuật, vận hành, yêu cầu đặt ra là bảo đảm điện áp các nút trên hệ thống điện, không để vận hành quá tải thiết bị; thay thế dần thiết bị cũ kém chất lượng; quản lý giảm sự cố trên lưới điện cũng như hạn chế tối đa cắt điện.Đặc biệt, đối với việc giảm TTĐN thương mại, EVN yêu cầu các tổng công ty tăng cường kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương tuyên truyền, ngăn ngừa và xử lý vi phạm trộm cắp điện.
Song song đó, trong giai đoạn 2016-2020, ngành điện tập trung đầu tư xây dựng để phát triển nguồn lưới điện nhằm bảo đảm vận hành an toàn, đáp ứng yêu cầu cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh, đồng thời góp phần quan trọng giảm TTĐN trên lưới điện.
Cụ thể, trong giai đoạn 2016 -2020, EVN đầu tư 24 tổ máy thuộc 13 dự án nguồn điện với tổng công suất 6.989 MW. Song song đó bảo đảm tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm và các nguồn điện cấp bách khu vực miền Nam như Nhiệt điện Duyên Hải 3, Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, Nhiệt điện Vĩnh Tân, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Nhiệt điện Thái Bình, Thủy điện Lai Châu, Thủy điện Huội Quảng... Cùng với các nguồn điện được đầu tư của các đơn vị khác bảo đảm đáp ứng công suất và sản lượng cấp cho phụ tải. Việc bảo đảm tiến độ nguồn điện giúp cân bằng sản lượng, công suất các miền để giảm truyền tải xa làm tăng TTĐN.
Đầu tư lưới điện
Cũng trong kế hoạch giảm TTĐN giai đoạn 2016-2020, EVN cho biết sẽ tập trung đầu tư lưới điện trên cả nước. Theo đó, thực hiện đầu tư các công trình nâng cao năng lực hệ thống điện truyền tải, đấu nối và giải tỏa công suất nguồn điện; tiếp tục dẫn sâu điện áp cao vào trung tâm phụ tải; phát triển vành đai lưới điện ở cấp điện áp 500 KV, 220 KV khu vực TP HCM, Hà Nội và các vùng kinh tế trọng điểm. Ngoài ra, cải tạo nâng cấp lưới điện và nâng điện áp lưới điện từ 6, 10, 15 lên 22 KV để nâng cao khả năng cung cấp điện, giảm tỉ lệ TTĐN trên lưới điện trung áp.