Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho biết thông thường mọi năm thu hoạch cà phê từ đầu tháng 11, nhưng năm nay do mất mùa nên phải đến cuối tháng 11 mới thu hoạch rộ. Do mất mùa nên chất lượng hạt cà phê cũng kém, chiếm đến 60%-70%. Hiện nay, do giá cà phê lên khá cao nên những người còn cà phê đều trữ lại không bán mà chờ giá tăng tiếp.
Bán sớm nên hết hàng
Được biết, giá cà phê nhân xô hồi tháng 3-2016 chỉ hơn 32.000 đồng/kg. Nhưng đến đầu mùa vụ năm nay, thấy giá lên khoảng 40.000 đồng/kg, nhiều chủ vườn cà phê đã tranh thủ bán cà phê “non” (tức trái cà phê còn xanh trên cành) cho thương lái. Đến đầu tháng 11 này, giá tiếp tục tăng, có lúc lên 46.000 đồng/kg, nhưng người trồng cà phê không còn cà phê để bán. Hiện nay, giá cà phê nhân xô ở mức khoảng 43.500 đồng/kg. Một số ít chủ vườn còn cà phê tranh thủ trữ lại để chờ giá tăng tiếp mới bán ra.
Tuy nhiên, theo dự báo từ giới chuyên môn, giá cà phê trên thị trường thế giới năm nay khá phức tạp, các nhà đầu tư cà phê nước ngoài “làm giá” tạo ra thị trường biến động. Thậm chí, qua một đêm, giá cà phê thế giới đã bị đẩy xuống cả trăm USD/tấn. Chưa hết, nếu tỉ giá USD tăng lên cũng sẽ ảnh hưởng đến giá cà phê thế giới.
Do đó người trữ cà phê cần cân nhắc việc trữ hàng, nếu không bán ra đúng thời điểm cũng sẽ dễ dẫn đến thiệt hại. Hiện nhiều doanh nghiệp cà phê đã tạo điều kiện cho nông dân được gửi hàng vào kho doanh nghiệp để chờ khi nào có giá cao bán ra. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng thường xuyên cập nhật thông tin giá cả trong nước và thế giới cũng như phân tích, dự báo xu hướng giá để nông dân tham khảo nhằm quyết định kịp thời có nên bán ra hay tiếp tục dự trữ. Giới chuyên môn cũng cảnh báo việc trữ cà phê với thời gian quá dài sẽ ảnh hưởng chất lượng cà phê. Nếu khách hàng biết cà phê cũ, họ có thể ép giá.
Thiệt hại nặng do thời tiết
Thông tin từ Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho thấy đầu năm 2016, hạn hán nghiêm trọng gây thiệt hại lớn tại thủ phủ cà phê Tây Nguyên. Hàng ngàn hecta cà phê thiếu nước, trong đó nhiều vườn cà phê bị cháy cả lá. Khi đến mùa mưa thì lượng mưa lớn, kéo dài liên tục đã ảnh hưởng sản lượng và chất lượng hạt cà phê.
Chẳng hạn, tại khu vực Gia Lai sản lượng cà phê giảm đến 50% so với mùa vụ trước, trong đó có khoảng 400 ha gần như mất trắng. Còn tại khu vực Đắk Lắk có đến hơn 50.000 ha bị khô hạn, trong đó 4.500 ha bị ảnh hưởng nặng nề... Số liệu thống kê cho thấy khu vực Tây Nguyên có hơn 165.000 ha (chiếm 30% diện tích) bị thiệt hại do thiếu nước, khô hạn.
Ông Đỗ Hà Nam cũng cho biết thêm năm nay, các doanh nghiệp cà phê có thể xuất khẩu được khoảng 1,8 triệu tấn cà phê. Sở dĩ năm nay vẫn duy trì được lượng xuất khẩu cao như mọi năm là do nguồn hàng còn dự trữ từ mùa vụ trước. Tuy nhiên, năm 2017 sản lượng xuất khẩu dự báo sẽ giảm còn 1,4-1,5 triệu tấn, do sản lượng cà phê năm nay giảm đáng kể nên khả năng lượng hàng tồn để lại năm sau sẽ không nhiều.
Được biết, công suất thiết kế chế biến cà phê nhân trong nước đạt 1,5 triệu tấn/năm, cà phê rang xay 51.700 tấn/năm, cà phê hòa tan 36.500 tấn/năm. Hiện có 11 nhà máy có quy mô lớn với công suất 139.850 tấn/năm, hệ thống kho bảo quản tổng tích lượng 2,36 triệu tấn/năm, bảo đảm phục vụ chế biến, bảo quản và xuất khẩu cà phê. Một số doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu cà phê hòa tan, rang xay tạo giá trị gia tăng. Nếu như năm 2013, cà phê chế biến chỉ chiếm 1,7% lượng cà phê xuất khẩu thì đến năm 2015 vừa qua, tỉ lệ này đã tăng lên 11,2%. Theo kế hoạch từ ngành cà phê Việt Nam đến năm 2020, tỉ lệ cà phê được chế biến sẽ đạt 30%, kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ tăng lên 3,8-4,2 tỉ USD.