Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang trên quá trình thực thi việc xây dựng một thị trường thống nhất cho nền sản xuất. “ASEAN đứng vị trí thứ 7 trên thế giới với sự đóng góp 2.400 tỉ USD vào năm 2013. Và với đà tăng trưởng hiện tại, khu vực này được dự đoán sẽ vượt lên vị trí thứ 4 trong năm 2050” - ông Stephen Groff, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhận định như vậy.
Tập trung chiều sâu
Trọng tâm kinh tế toàn cầu đang chuyển hướng về khu vực châu Á. Khu vực này có 2 nền kinh tế lớn là Ấn Độ và Trung Quốc, cùng với sự tham gia của 4 nước công nghệ cao như Nhật Bản, Úc, New Zealand và Hàn Quốc vào khối ASEAN đã tạo ra một liên kết toàn diện trong việc cung cấp, hỗ trợ hội nhập với mục tiêu phát triển sự hợp tác, tạo thuận lợi và tự do hóa.
Bà Kasinee Phantteeranrak, quản lý dự án của Công ty Reed Tradex, cho rằng theo báo cáo từ Ban Thư ký ASEAN, ASEAN+6 chiếm 49% tổng dân số thế giới. Với 10.140 tỉ USD, ASEAN đạt được 28% tổng giá trị thương mại toàn cầu. Đây là một chỉ số khả quan cho tất cả các nước tham gia và sẽ tạo bước đệm cho việc hội nhập sâu hơn. Thông qua Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với từng đối tác kinh tế lớn và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Việt Nam cũng sẽ nhận được thuế xuất khẩu 0% tại các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể thâm nhập sâu hơn vào việc sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như khu vực. Các dòng vốn đầu tư sẽ đến cùng theo đó là công nghệ mới, các phương pháp quản lý cập nhật, ngoại tệ và sự gia tăng các cơ hội mới để thâm nhập thị trường nước ngoài.
Hội nhập kinh tế AEC và ASEAN+6 sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5% vào năm 2025, dựa theo số liệu từ nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và ADB. Cùng lúc đó, kế hoạch quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 của Bộ Công Thương cũng tập trung vào phát triển các ngành điện tử và thông tin, chế biến và sản xuất công nghiệp cũng như các nguồn năng lượng mới. Đây là thời điểm cho các nhà sản xuất của Việt Nam nắm bắt cơ hội này. Nhưng điều này chỉ có thể đạt được nếu có được sự quản lý hợp lý và quyết liệt để thực thi một cách hiệu quả. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao nhưng chủ yếu theo chiều rộng, chưa tập trung vào chiều sâu, năng lực hội nhập, nhân lực tay nghề, kỹ thuật và công nghệ đang là vấn đề cần được tập trung xử lý.
Cơ hội mới
Các chuyên gia cho rằng việc chủ động tham gia vào AEC và ASEAN+6 sẽ mang lại nhiều cơ hội mới, bao gồm việc tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, thế hệ lao động mới chất lượng hơn và bổ sung nguồn vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, từ việc tận dụng nguồn tài nguyên phong phú của các nước lân cận cũng như cơ hội mở rộng ra các thị trường mới ở nước ngoài.
Một trong số những hướng đi để phát triển bền vững nền công nghiệp sản xuất là việc củng cố và mở rộng ngành công nghiệp phụ trợ. Việt Nam hiện đã và đang có tiềm năng về việc gia tăng nhu cầu của các linh kiện từ sự gia tăng đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp FDI.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thương mại VCCI TP HCM, cho rằng các doanh nghiệp cần tận dụng sản xuất các linh kiện có nhu cầu cao như các phụ kiện nhựa, phụ kiện kim loại, phát triển việc nội địa hóa. Ngành công nghiệp hỗ trợ cần kỹ năng kỹ thuật chất lượng cao. Đầu tư vào công nghệ với tầm nhìn dài hạn là một nhu cầu thiết yếu vào lúc này để đạt được lợi thế kinh tế nhờ quy mô tại thị trường trong nước và vươn ra thị trường nước ngoài một cách bền vững.