Trong đó, 2 nước quyết tâm tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế gồm các lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ... Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế sẽ giúp tăng cường thương mại, đầu tư…
Liên tục xuất siêu
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Mỹ là thị trường mà Việt Nam đạt mức thặng dư thương mại hàng hóa lớn nhất. Năm 2015, xuất siêu qua Mỹ đạt 25,67 tỉ USD và riêng trong 4 tháng đầu năm nay con số này tiếp tục ở mức cao với 8,98 tỉ USD (tăng 1,48 tỉ USD so với cùng kỳ).
Trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng thương mại giữa 2 nước luôn đạt mức cao. Nếu năm 2006, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ chỉ ở mức 8,81 tỉ USD đến năm ngoái con số này đã cán mốc 41,26 tỉ USD, mức tăng trưởng bình quân trên 19% mỗi năm. Đáng lưu ý, cán cân thương mại hàng hóa song phương đạt mức thặng dư cao về phía Việt Nam. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh Việt Nam liên tục thâm hụt thương mại (nhập siêu) từ các thị trường khác như Trung Quốc, khu vực ASEAN...
Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với con số kim ngạch 33,47 tỉ USD trong năm ngoái và tăng trưởng bình quân trong 10 năm qua là 17,9%/năm.
Hàng Việt xuất sang Mỹ chủ yếu là hàng dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, hạt điều... Theo các chuyên gia kinh tế, khi TPP có hiệu lực với mức thuế suất các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ giảm về 0% sẽ đem lại lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp Việt. Như ngành dệt may, chỉ trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu qua Mỹ đạt 3,4 tỉ USD. Mức thuế khoảng 17,5% giảm xuống còn 0% nhờ TPP sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được hàng trăm triệu USD tiền thuế.
Phải tận dụng cơ hội
Gần đây, một số mặt hàng xuất khẩu có sự gia tăng mạnh sang thị trường Mỹ mở thêm nhiều triển vọng. Chẳng hạn với mặt hàng hạt điều, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu gần 329.00 tấn hạt điều mang về hơn 2,4 tỉ USD và Mỹ là thị trường nhập khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam. Hơn 30% kim ngạch xuất khẩu hạt điều và khoảng 50% thị phần nhân điều của Việt Nam được tiêu thụ tại Mỹ. Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều qua Mỹ tiếp tục tăng trưởng khá với 225 triệu USD, chiếm tới 32,7% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.
Ông Trần Việt, Trưởng Ban pháp chế Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho rằng TPP sẽ giúp ngành dệt may mở rộng quy mô xuất khẩu khi các nước thành viên như Mỹ, Nhật đều là đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Dự báo trong 3 năm đầu sau khi TPP chính thức có hiệu lực (tính từ đầu năm 2018), tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ tăng 17%-20% mỗi năm và có thể cán mốc 50 tỉ USD đến năm 2020.
Để tận dụng những lợi thế từ TPP xuất khẩu qua Mỹ, các doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ với ngành dệt may, da giày hoặc xuất khẩu gỗ; hay với ngành xuất khẩu thủy sản các hàng rào kỹ thuật cũng sẽ được dựng lên nhiều hơn...
Cơ cấu lại thị trường
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, cơ hội xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong thời gian tới còn rất lớn, nhất là sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama sẽ tạo thêm những cú hích về kinh tế giữa 2 nước, trong đó có xuất khẩu. Quan trọng hơn, nhờ TPP, trong đó Mỹ là thành viên sẽ giúp Việt Nam cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn (hiện đang dựa quá nhiều vào các thị trường Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước ASEAN). Việt Nam hiện đã là quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ trong khu vực nhưng vị thế này sẽ càng được củng cố và tăng cường khi TPP có hiệu lực.