Hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT) đặc biệt có lợi cho người dân, giúp bác sĩ nắm rõ tiền sử bệnh tật của bệnh nhân như: lần đi khám bệnh gần nhất, các loại thuốc đã được chỉ định, bệnh tật phát sinh mới... những thông tin mà chính bệnh nhân có khi cũng không nhớ rõ. Nhờ đó giúp ích hơn trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh.
Hết thời mất tiền mua sổ khám bệnh
Ông Nguyễn Văn Nghị, 72 tuổi, ở thôn Đồng Xuân, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết trước đây cứ mỗi lần đến khám tại bệnh viện huyện hay tỉnh, ông lại mất 5.000 đồng để mua sổ khám. Xong khâu này, lúc gặp bác sĩ ông lại kể lể tiền sử bệnh tật. Thế nhưng, kể từ ngày Trạm Y tế xã Hộ Độ triển khai HSSKĐT ông chỉ cần đọc mã số là được khám bệnh. Ông Nghị chia sẻ: "Bác sĩ kiểm tra mã số hồ sơ (ID sức khỏe) để xem lại lịch sử khám bệnh trước đó của tôi, còn tôi không mất tiền mua sổ khám lại nữa, tiết kiệm hơn rất nhiều".
Bác sĩ kiểm tra mã số hồ sơ để xem lại lịch sử khám bệnh của bệnh nhân
Bác sĩ Nguyễn Hồng Khoa, Trưởng Trạm Y tế xã Hộ Độ, cho biết việc lập HSSKĐT giúp nhân viên y tế quản lý, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn rất thuận lợi. Ngay từ khi triển khai các y-bác sĩ đã tận dụng mọi lúc mọi nơi để khai thác tiền sử bệnh của người dân trong xã. "Thời điểm đó, cứ lúc nào có cuộc họp thôn, xóm và ai đến khám cũng được đội ngũ thầy thuốc khai thác, điền thông tin để hoàn thiện HSSKĐT. Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng một nhóm Facebook gồm tất cả đơn vị triển khai HSSKĐT nhằm kịp thời khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện" - ông Khoa nói. Hiện xã Hộ Độ có hơn 8.000 người dân thì đã có 7.900 người được lập HSSKĐT. Trong mỗi hồ sơ, người dân được lưu đầy đủ tên, tuổi, địa chỉ, số người trong gia đình, chiều cao, cân nặng, chỉ số huyết áp, các bệnh mạn tính đang có. Hiện trạm y tế đang phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh khác để thực hiện khám sức khỏe cho người dân như xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm để phát hiện thêm các bệnh khác, bổ sung đầy đủ hơn các số liệu sức khỏe vào HSSKĐT.
Liên tục cập nhật sức khỏe... cho hồ sơ
Ông Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, cho biết Hà Tĩnh là một trong những địa phương đi đầu và khá mạnh dạn trong việc triển khai việc quản lý sức khỏe điện tử. Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 85% người dân tại địa phương này được quản lý sức khỏe điện tử. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, hơn 90% người dân của tỉnh có mã số sức khỏe, liên thông dữ liệu giữa tất cả cơ sở y tế từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. "Hà Tĩnh đang cố gắng để sắp tới khai trương Cổng thông tin sức khỏe cộng đồng. Theo đó, mỗi người dân chỉ cần một mã số do cơ quan y tế cấp, có thể kiểm tra, truy cập bất kỳ lúc nào, nơi đâu cũng nắm rõ được tình hình sức khỏe bản thân" - ông Châu nói.
Dù lợi ích to lớn như vậy nhưng lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng việc triển khai quản lý sức khỏe điện tử cũng đang có những khó khăn nhất định, trong đó việc bảo mật thông tin cho người bệnh cũng cần cân nhắc, tính toán kỹ càng. Hơn nữa dữ liệu phần mềm khám chữa bệnh hiện có của các bệnh viện và phần mềm hồ sơ sức khỏe chưa đồng bộ nên khi kết nối, liên thông cũng gặp khó khăn. Trong khi đó, kỹ năng thực hiện về các lĩnh vực công nghệ thông tin, máy tính của cán bộ trạm y tế chưa đáp ứng được yêu cầu, các trạm y tế chỉ có một máy tính, nhiều trạm chưa có đường truyền tốc độ cao nên tiến độ nhập dữ liệu còn chậm.
Mỗi người một ID sức khỏe
Tháng 6-2018, Bộ Y tế đã tổ chức lễ khởi động xây dựng phần mềm HSSKĐT (ID). Với HSSKĐT giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Khi đi khám bệnh, thông qua HSSKĐT, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc hồ sơ sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của thầy thuốc. Đối với người thầy thuốc, HSSKĐT cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn. Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn.