Theo bài viết đăng đầu tháng 4 của Tạp chí Nikkei (Nhật Bản), một tập đoàn khách sạn của Việt Nam - hiện có hàng chục chi nhánh tại Hà Nội, Đà Nẵng và
TP HCM - bắt đầu bước chân vào phân khúc thị trường giá “mềm” dành cho khách nước ngoài.
Đất lành Việt Nam
Một phòng của tập đoàn này ở Hà Nội chào giá 30 USD/đêm (khoảng 680.000 đồng), kèm theo ưu đãi như giảm giá cho khách “check-in” vào ban đêm. Trang Huffington Post (Mỹ) cho hay khoảng 30% khách hàng là người nước ngoài, trong đó nhiều người đến từ Nhật Bản. Tỉ lệ này ở khách sạn Silk Path (Hà Nội) lên tới 95%. Theo Silk Path, với mức giá 70 USD/đêm, khách được hưởng nhiều dịch vụ như tại khách sạn hạng sang, bao gồm lối vào được bảo vệ, bữa sáng theo nhiều phong cách phương Tây, Nhật và Việt Nam...
Không chỉ doanh nghiệp Việt Nam, nhiều cái tên nước ngoài cũng gia nhập cuộc đua. Trong đó, Route Inn (Nhật Bản) vừa mở khách sạn đầu tiên ở Việt Nam tại Đà Nẵng - nằm giữa đường từ sân bay thành phố đi bãi biển Mỹ Khê - vào đầu tháng 4, có quy mô 168 phòng với tổng đầu tư 2 tỉ yen (18 triệu USD). Đặt mục tiêu thu hút du khách và giới doanh nhân Á - Âu - Mỹ, khách sạn Nhật này định giá phòng là 70 USD/đêm, chỉ bằng 1/3 so với một khách sạn của Pháp ở gần đó.
Route Inn còn định mở khách sạn thứ hai cũng ở Đà Nẵng vào cuối tháng 5, trước khi vươn ra các thành phố lân cận từ đây đến tháng 10-2018. Sở dĩ Đà Nẵng “lọt vào mắt xanh” là nhờ vị trí thuận lợi. Nhiều hội nghị quan trọng trong năm nay, điển hình là hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017, sẽ lần lượt được tổ chức ở Đà Nẵng, kéo theo đó là lượng khách lớn.
Hà Nội cũng được nhiều hệ thống khách sạn “chọn mặt gửi vàng”. Cả 2 chuỗi khách sạn của Nhật là Super và Kuretakeso đều đã mở 2 địa điểm tại đây, cùng áp giá 60 USD/đêm với nhiều dịch vụ như kết nối internet, giặt ủi miễn phí nếu ở dài ngày... Giá thấp hơn (40 USD/đêm) và có tới 9 chi nhánh là Azumaya, một hệ thống khách sạn Nhật khác.
Giá rẻ, chất lượng không rẻ
Không phải ngẫu nhiên mà các chuỗi khách sạn nước ngoài đổ bộ Việt Nam. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam đã đón hơn 10 triệu du khách nước ngoài trong năm ngoái. Kèm theo đó là làn sóng người làm ăn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Số lượng lớn nhưng lựa chọn cho họ vẫn giới hạn ở các khách sạn nước ngoài sang trọng (giá trên dưới 200 USD/đêm) hay muốn rẻ thì phải thuê phòng của dân địa phương. Đặc biệt, giá phải chăng không có nghĩa là chất lượng được chăng hay chớ. Đa phần khách sạn “giá mềm” đều nằm ở vị trí thuận tiện và cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng như bữa sáng đa phong cách, đội ngũ phục vụ nói được nhiều thứ tiếng...
Cuộc chiến giá còn lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác, như thiết bị di động. Theo trang Tech Wire Asia, tính đến hết tháng 3, hai hãng công nghệ Samsung (Hàn Quốc) và OPPO (Trung Quốc) đang thống lĩnh thị trường Đông Nam Á trong khi Apple (Mỹ) rơi khỏi top 5 do giá bán iPhone quá cao. Tại Malaysia, Samsung vượt mặt Apple, OPPO và Huawei (Trung Quốc) để chiếm 32,8% thị phần trong quý IV/2016. Làm nên thành công của Samsung là dòng điện thoại thông minh giá “mềm” Galaxy J. Chính vì không dựa vào Galaxy Note 7 nên khi mẫu điện thoại cao cấp này gặp sự cố về pin, doanh số chung của Samsung ở Malaysia không bị tổn hại.
Mảng chăm sóc sức khỏe cũng không nằm ngoài cuộc chiến giá, theo trang Huffington Post. Tại Philippines, các cơ sở y tế tư nhân có giá dịch vụ thấp hơn 50%-70% so với các bệnh viện tư quy mô lớn đang mở rộng hoạt động. Có thể kể đến QualiMed, công ty con thuộc Tập đoàn Ayala đang điều hành một cơ sở y tế nhỏ ở khu vực Makati của thủ đô Manila, cung cấp nhiều dịch vụ y tế từ bán thuốc, khám tai mũi họng... cho các bệnh nhân có thu nhập hộ gia đình chừng 15.000-120.000 peso/tháng (tương đương 300-2.400 USD). Chi phí khám tổng quát ở QualiMed chỉ khoảng 1.000 peso (20,08 USD), bằng phân nửa của một bệnh viện lớn gần đó.