Dẫn chúng tôi tham quan khu nhà lồng H1 - nơi tập trung gần 230 ô vựa kinh doanh thịt các loại, mỗi ô có diện tích từ 28-32 m²; ông Nguyễn Chí Thành - Trưởng phòng Quản lý Chất lượng Vệ sinh An toàn Thực phẩm và Môi trường thuộc Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Bình Điền cho biết: mỗi ngày chợ đầu mối Bình Điền tiêu thụ trung bình từ 2.600 - 3.000 con heo và để đảm bảo việc kiểm tra chất lượng sản phẩm thịt heo và các loại thịt khác, ngoài đội quản lý An toàn Thực phẩm của chợ Bình Điền, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP HCM còn đặt hẳn 1 đội (trong tổng số 10 đội trên toàn thành phố) của Ban tại chợ này.
Chủ hàng hóa hoặc đại diện chủ hàng có trách nhiệm xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật cho cán bộ ban Quản lý An toàn Thực phẩm Chợ Đầu mối Bình Điền
Tại nhà lồng H1 có tổng cộng 7 cổng vào và 6 cổng ra để nhập - xuất thịt heo, ở tất cả các cổng đều có camera giám sát chặt chẽ mọi hoạt động. Bắt đầu từ 23 giờ hằng đêm, có khoảng 80 - 100 xe từ Long An, Đồng Nai, TP HCM… chở thịt heo đã giết mổ về chợ tập kết ở các cổng này. Theo quy định của chợ đầu mối Bình Điền, tất cả phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật trước khi vào chợ bắt buộc phải dừng lại tại cổng nhập. Tại đây, chủ hàng hóa hoặc đại diện chủ hàng có trách nhiệm xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật cho cán bộ ban Quản lý An toàn Thực phẩm Chợ Đầu mối Bình Điền (Đội 10) thuộc Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP HCM. Ban quản lý sẽ kiểm tra tính hợp lệ của giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm nhập chợ như họ tên chủ hàng, nơi xuất phát, số xe, chủng loại, số lượng, khối lượng sản phẩm động vật, nơi đến (tên chủ, ký hiệu quầy sạp...), ngày cấp, nơi cấp, dấu trình phúc kiểm nếu từ các tỉnh đưa về chợ… ; kiểm tra phương tiện vận chuyển nhập, tình trạng niêm phong. Ban quản lý cũng ghi sổ nhập chợ: số xe, nơi xuất phát, tên chủ, ký hiệu số quầy sạp đồng thời kiểm soát, kiểm tra các phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật vào - ra nhà lồng H1 theo phân luồng đã quy định (cổng nhập và cổng xuất) và truy xuất nguồn gốc thịt heo theo đề án của UBND TP HCM (kiểm tra vòng niêm phong ở xe và vòng nhận diện đeo ở chân heo).
Ban quản lý kiểm soát, kiểm tra các phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật vào - ra nhà lồng và truy xuất nguồn gốc thịt heo
Tại khu vực kinh doanh thịt heo sỉ, cán bộ quản lý ở khu nhập sẽ tiếp nhận thông tin từ cổng nhập; thu hồi giấy chứng nhận kiểm dịch; kiểm tra tính hợp lệ của giấy chứng nhận kiểm dịch; kiểm tra lô hàng đối chiếu với giấy chứng nhận kiểm dịch đi kèm, xem tình trạng niêm phong; kiểm tra tình trạng vệ sinh phương tiện vận chuyển và các vật dụng, dụng cụ chứa đựng sản phẩm động vật. Đồng thời cán bộ quản lý cũng kiểm tra tình trạng sản phẩm động vật: chủng loại, số lượng, khối lượng, cảm quan tình trạng thân thịt, dấu kiểm soát giết mổ trên thân thịt. "Sau khi kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ, tình trạng niêm phong, phương tiện vận chuyển, sản phẩm động vật phù hợp với giấy chứng nhận kiểm dịch chúng tôi mới cho phép thịt nhập vào chợ. Trường hợp giấy chứng nhận kiểm dịch không hợp lệ, có hành vi vi phạm hành chính hoặc có dấu hiệu sản phẩm động vật biến đổi chất lượng, chúng tôi sẽ yêu cầu chủ hàng đưa phương tiện vận chuyển vào khu vực cách ly để tiếp tục kiểm tra kỹ hơn hoặc lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, xử lý theo quy định", ông Thành cho biết.
Tình trạng vệ sinh mặt bằng; quầy sạp, các phương tiện, vật dụng, tình trạng ánh sáng nơi kinh doanh… cũng sẽ được kiểm tra
Cũng theo ông Thành, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Chợ đầu mối Bình Điền thường xuyên phối hợp với chợ đầu mối Bình Điền kiểm tra giám sát quá trình bốc xếp, vận chuyển sản phẩm động vật từ phương tiện vận chuyển vào xe đẩy; từ xe đẩy vào quầy sạp thịt heo sỉ. Cần nói thêm, đội ngũ bốc xếp tại chợ đầu mối Bình Điền thuộc HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Phú Sơn hoạt động bài bản, thường xuyên được tập huấn chuyên ngành về VSAT thực phẩm, có kỹ năng nhận biết và phát hiện thịt heo đã bị biến chất. Tại khu vực kinh doanh thịt heo sỉ, cán bộ quản lý kiểm tra việc thực hiện các quy định điều kiện vệ sinh đối với nơi kinh doanh thịt heo sỉ như tình trạng vệ sinh mặt bằng; quầy sạp, các phương tiện, vật dụng, tình trạng ánh sáng nơi kinh doanh…; kiểm tra việc vận chuyển sản phẩm vào và ra khu vực; thực hiện ghi sổ quản lý vệ sinh thú y; nhập lượng vào phần mềm quản lý.
Tại khu kinh doanh thịt heo pha lóc, cán bộ quản lý kiểm tra tình trạng vệ sinh trong việc bốc xếp, vận chuyển sản phẩm từ khu vực thịt heo sỉ vào khu vực kinh doanh thịt heo pha lóc đồng thời kiểm tra việc thực hiện các quy định điều kiện vệ sinh đối với nơi kinh doanh thịt heo pha lóc; kiểm tra việc vận chuyển sản phẩm vào và ra khu vực; ghi sổ quản lý vệ sinh thú y. Riêng khu vực kinh doanh phụ phẩm heo được bố trí ở khu vực bên ngoài với quy trình giống như kinh doanh thịt heo sỉ.
Bên cạnh khu ô vựa bán buôn thịt heo, khu vực kinh doanh gia cầm, sản phẩm động vật đông lạnh cũng có quy trình kiểm tra, kiểm soát giống như nhập thịt heo sỉ.
Khi phát hiện các lô hàng thịt không đủ tiêu chuẩn hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm sẽ cho đem toàn bộ lô hàng ra khu vực cách ly, các cán bộ quản lý an toàn thực phẩm sẽ xem xét thật kỹ, đánh giá mức độ và tùy trường hợp cụ thể sẽ lập hồ sơ và có hướng xử lý.
Khu vực nhà lồng được trang bị mái tôn lạnh; thịt vào chợ đều được treo lên giàn, bàn pha lóc và các thùng chứa, xe đẩy đều bằng inox…
Tại chợ đầu mối Bình Điền, khu vực nhà lồng được trang bị mái tôn lạnh, có hệ thống lạnh thổi trực tiếp vào khu vực nhà lồng; thịt vào chợ đều được treo lên giàn, bàn pha lóc và các thùng chứa, xe đẩy đều bằng inox… Nhờ có hệ thống lạnh nên thịt tại khu vực nhà lồng đều là thịt mát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Là chợ bán sỉ nên các hoạt động diễn ra tấp nập từ 2 giờ 30 đến 5 giờ sáng; Từ 12 giờ trưa khu vực này sẽ đóng cửa để nhân viên dọn dẹp vệ sinh, khử trùng môi trường.
"Cũng cần lưu ý là thời gian qua có nhiều người mua thịt (cả rau, củ, quả và nhiều mặt hàng khác) tại khu vực buôn bán trên đường 36, đường Quản Trọng Linh (nằm bên ngoài cổng của Trung tâm Thương mại Bình Điền) nhưng lại cứ nhầm lẫn rằng đó là khu vực thuộc chợ đầu mối Bình Điền. Chúng tôi xin khẳng định Chợ đầu mối nông sản – thực phẩm Bình Điền nằm hoàn toàn bên trong khuôn viên của Trung tâm Thương mại Bình Điền. Các thương nhân mua bán bên ngoài cổng Trung tâm Thương mại Bình Điền đều không thuộc Chợ đầu mối nông sản - thực phẩm Bình Điền và chúng tôi không chịu trách nhiệm về hoạt động của họ cũng như sản phẩm và chất lượng sản phẩm mà họ bày bán", ông Tsàn A Sìn - Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền - cho biết thêm. Theo ông Sìn, để mua đúng hàng có kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Chợ đầu mối nông sản - thực phẩm Bình Điền, khách hàng nên lưu ý điểm này.
Được biết, thời gian tới, chợ đầu mối Bình Điền sẽ triển khai giai đoạn 2 của đề án truy xuất nguồn gốc là sẽ gắn tem lên sản phẩm động vật được xuất ra tại chợ Bình Điền để đảm bảo hàng hóa có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Tính từ đầu tháng 3-2019 đến nay, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền phối hợp với Đội số 10 thuộc Ban Quản lý ATTP TP HCM đã phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm ATTP (heo không có nguồn gốc, xuất xứ, heo chết), cụ thể:
+ Ngày 8-3: bắt 1.170 kg thịt heo không có nguồn gốc xuất xứ, phạt ông Bùi Văn Thoảng chủ hàng đưa thịt vào ô vựa Phạm Thanh Phong H1-179 số tiền 46.800.000 đồng.
+ Ngày 9-3: bắt 626 kg thịt heo không có nguồn gốc xuất xứ, phạt bà Nguyễn Thị Mỹ, chủ hàng đưa thịt vào ô (vựa) Võ Thị Kim Dung (sạp Hai Hụi H1-191) số tiền 29.422.000 đồng.
+ Ngày 11-3: bắt 160 kg thịt heo không có nguồn gốc xuất xứ, phạt ông Nguyễn Trường Giang chủ hàng đưa thịt vào ô (vựa) Võ Thị Hoa (sạp H1-183) số tiền 4.480.000 đồng.
Tất cả 3 vụ vi phạm ATTP trên được phát hiện và Ban Quản lý An toàn Thực phẩm thành phố lập biên bản xử phạt vi phạm hành chánh, tiêu hủy theo quy định. Riêng Công ty chợ Bình Điền lập biên bản và ra quyết định cảnh cáo các chủ vựa đồng thời công khai quyết định xử lý trên bảng tin và phát loa thông báo trong toàn chợ.