Thông qua thông tin từ phương tiện truyền thông, Công ty CP Xử lý chất thải Việt Nam -Long An (VWSLA) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Long An, đề nghị phản hồi thông tin liên quan đến việc UBND tỉnh này kiến nghị lên Quốc hội chuyển đổi diện tích đất gần 1.600 ha thuộc Dự án Khu Công nghệ môi trường xanh Long An (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) để kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị và thương mại.
Không thể tự ý chuyển đổi dự án
Dự án Khu công nghệ môi trường xanh có quy mô xử lý chất thải cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải (Khu liên hợp xử lý Tân Thành, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, có qui mô 1.760 ha vào năm 2008 nay đổi tên thành Khu công nghệ Môi trường xanh Long An).
Theo đó, dự án được Chính phủ giao cho VWSLA làm chủ đầu tư; được Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận đầu tư số 501032000341 lần đầu ngày 15-5-2015 và cấp đổi sang giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 9837173770 vào ngày 8-3-2016.
Ngày 6-7-2020, xét đề nghị của UBND TP HCM và UBND tỉnh Long An, Bộ Xây dựng cũng đã có Công văn số 1256/BXD-HTKT, cho phép VWSLA làm nhà đầu tư chính thức của dự án từ năm 2010.
Lễ khánh thành 2 cây cầu VWS1, VWS2 và đường dẫn vào dự án Khu công nghệ Môi trường xanh Long An
Dự án có qui mô 1.760 ha, công suất thiết kế tiếp nhận và xử lý 40.000 tấn rác/ ngày cho TP HCM và các tỉnh thành phía Nam. Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến khoảng 600 triệu USD.
Kể từ khi tiếp nhận dự án từ năm 2010 đến nay, VWSLA đã đầu tư gần 20 triệu USD để thực hiện các hạng mục: Làm sạch mặt bằng; rà phá bom mìn; xây dựng 2 cây cầu và đường dẫn vào khu xử lý rác; chi phí bảo vệ phòng cháy chữa cháy; chi phí đàm phán, lựa chọn các đối tác nước ngoài; chi phí thiết kế dự án…
Do đó, theo VWSLA, nếu UBND tỉnh Long An chuyển đổi dự án sẽ gây thiệt hại nặng nề cho chủ đầu tư. Việc không đàm phán, thỏa thuận với chủ đầu tư, tự ý chuyển đổi dự án là trái pháp luật, không thể chấp nhận. "Chúng tôi cũng vừa biết thông tin này trên báo Tuổi Trẻ, chúng tôi chưa được Tỉnh Long An bàn thảo hoặc thông báo gì trước về việc này. Việc làm của Tỉnh Long An làm cho chúng tôi rất ngạc nhiên và bất bình" - ông David Dương, chủ đầu tư Dự án Khu Công nghệ môi trường xanh Long An, cho biết.
Làm khó chủ đầu tư
Ông David Dương xác nhận ngay sau khi tiếp nhận thông tin báo chí, công ty VWSLA đã có văn bản gửi UBND tỉnh Long An, đề nghị trả lời cụ thể. Phía chủ đầu tư cũng sẽ gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ, UBND TP HCM về vấn đề này. "Chúng tôi muốn có thông tin chính thức sẽ thực hiện dự án này theo hướng nào để chúng tôi định hướng được việc đầu tư. Bởi vì khi đầu tư, chúng tôi đã vay vốn ngân hàng, nếu dự án không khởi động mà dừng lại nửa chừng thì không chỉ gây thiệt hại mà còn ảnh hưởng đến uy tín của chúng tôi" - ông David Dương nhấn mạnh.
Cũng theo ông David Dương, trong quá trình chuẩn bị thực hiện dự án, VWSLA đã điều chỉnh lại quy hoạch nhiều lần theo yêu cầu và ý kiến đóng góp của lãnh đạo TP HCM và lãnh đạo tỉnh Long An. Theo đó, việc điều chỉnh quy hoạch cho dự án đã được VWSLA thực hiện và lồng ghép vào quy hoạch chung của tỉnh Long An. Tuy nhiên, tờ trình xin xét duyệt quy hoạch 1/2000 đã được VWSLA nhiều lần gửi lãnh đạo tỉnh Long An nhưng tỉnh lại chuyển về cho UBND huyện Thủ Thừa thẩm định và phê duyệt dự án. Trở ngại là UBND huyện Thủ Thừa lấy lý do qui mô dự án quá lớn, huyện không đủ khả năng thẩm định và giải quyết. Trong khi đó, UBND tỉnh Long An lại không có ý kiến chỉ đạo tiếp tục và kết cục hồ sơ dự án bị "ngâm" cho đến nay.
"Chúng tôi xin nói thêm, trong quá trình thực hiện dự án, UBND tỉnh Long An đề nghị chúng tôi thay đổi công nghệ đốt rác. Năm 2015, tỉnh Long An đã có quyết định giao đất cho chúng tôi nhưng 6 tháng sau thu lại với lý do là dự án này có yếu tố nước ngoài, phải do Chính phủ ra quyết định giao đất. Việc thay đổi liên tục của địa phương làm cho việc đầu tư của chúng tôi gặp trở ngại" - ông David Dương nói.
Đừng làm nản lòng kiều bào
Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Doanh Nhân Việt Mỹ (VABA), ông David Dương khẳng định Dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh Long An là dự án được chính chúng tôi vận động các nhà đầu tư ở Mỹ rót vốn. Sau hơn 10 năm về Việt Nam đầu tư vào dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP HCM), thành công, ông David Dương kêu gọi Kiều bào đầu tư vào Dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh Long An - một dự án mang tầm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với chiến lược tập trung xử lý rác thải cho vùng để đảm bảo việc xử lý rác tập trung và triệt để không gây ảnh hưởng môi trường, để các cơ quan chức năng có thể kiểm tra và giám sát an toàn và hiệu quả hơn. Đây cũng là cơ hội để các kiều bào về đầu tư không chỉ dự án này mà có thể còn nhiều dự án khác về y tế và giáo dục. Nếu dự án dừng lại nửa chừng với nguyên nhân không phải do lỗi VWSLA gây ra, sẽ làm cho bà con kiều bào nản lòng.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng chủ trương của Nhà nước, Chính phủ là khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài về nước làm ăn. Thực tiễn Việt Nam đã có cam kết với các nước có công ước về bảo hộ đầu tư, cũng như tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), theo hướng ngày càng bảo vệ chặt chẽ quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài.
Trên cơ sở đó, các địa phương phải tạo mọi thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện các dự án tại Việt Nam. Việc tự ý thu hồi dự án mà không trao đổi với nhà đầu tư hoàn toàn không đúng quy định pháp luật, đi ngược chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về khuyến khích đầu tư nước ngoài.