Ngày 21/5/2015 tại Thái Lan, Toyota ra mắt thế hệ hoàn toàn mới của Hilux sau 11 năm gần như bỏ quên phân khúc bán tải để mải mê sắp xếp chỗ đứng của từng sản phẩm sedan, SUV cũng như MPV. Tuy nhiên, tại đất nước Chùa Vàng, Hilux - được biết tới với tên Hilux Revo - dù có cũ tới đâu thì nó vẫn thống trị phân khúc bán tải với thị phần khoảng 20%, vượt xa so với các đối thủ khác, trong đó có Ford Ranger.
Trên thế hệ hoàn toàn mới, phom dáng của xe không quá khác biệt, đúng như tính bảo thủ mà Toyota từ trước tới nay vẫn thể hiện trên mỗi mẫu xe của họ. Nhưng Hilux vẫn có đầy đủ yếu tố để tự tin đứng vững ở ngôi đầu. Hai trong số những lý do đó là nội thất như xe du lịch chạy theo xu hướng và thế hệ động cơ hoàn toàn mới giống như hai sản phẩm chiến lược ra mắt cùng năm là Fortuner và Innova.
Toyota thay thế bản động cơ diesel dung tích 2.5L và 3.0L bằng loại 2.4L và 2.8L. Bước đi nghe chừng thụt lùi nhưng không, động cơ mới cho công suất cao hơn, sức kéo tốt hơn, mô men xoắn lớn hơn ở dải tua thấp hơn, đồng thời tiết kiệm nhiên liệu hơn bao giờ hết.
Nhưng đáng tiếc, đó là câu chuyện của Hilux Thái Lan. 5 tháng sau đó, Toyota Việt Nam ra mắt Hilux “hoàn toàn mới” nhưng với động cơ cũ - loại 2.5L và 3.0L. Hơn thế nữa, Hilux ở Việt Nam có câu chuyện về thị phần hoàn toàn khác so với nơi sinh ra nó.
Lượng tiêu thụ của Hilux đứng ở vị trí thứ 3 nhưng khoảng cách với hai cái tên dẫn đầu là Mazda BT-50 cùng Ford Ranger còn quá xa. Nếu cho rằng, lấy 2015 để so sánh thì thiệt thòi cho Hilux vì có sự chuyển giao thế hệ thì nhìn lại kết quả năm trước đó cũng thấy rõ điều này. Năm 2014, xe bán ra 1.569 chiếc (16% thị phần), tức trung bình 130 chiếc/tháng trong khi Ford Ranger đạt 400 chiếc/tháng để cán mốc 4.791 xe bán ra - chiếm tới 50% thị phần. Năm 2015, Hilux thu về chỉ còn 9,5% thị phần, tức 1.597 xe bán ra. Trong khi đó, Ford Ranger lên đỉnh với 8.685 xe, chiếm 52% thị phần.
Điều đó đủ cho thấy Toyota Hilux đang phải chịu sức ép lớn như thế nào trước Ford Ranger ở Việt Nam.
Đối thủ tới từ Mỹ có cùng xuất xứ với Toyota Hilux khi cùng được sản xuất tại Thái Lan. Nhưng giá bán của Ford Ranger được niêm yết ở mức thấp hơn gần 20 triệu đồng. Các thông số về kích thước của Ranger cũng lớn hơn so với Hilux. Đáng chú ý nhất là trục cơ sở của Ranger lớn hơn Hilux gần 200mm - điểm ảnh hưởng khá lớn tới độ rộng rãi của không gian nội thất bên trong. Chưa kể, chiều cao của Hilux nhỏ hơn Ranger nên nội thất càng bị hạn chế hơn. Điểm giúp mẫu bán tải của Toyota đem về lợi thế là thùng hàng lớn hơn - tức chở được nhiều đồ phía sau hơn và khoảng sáng gầm xe cao hơn - tức offroad hay lội nước tốt.
Khi so sánh hai mẫu xe, thiết kế luôn là điểm mang tính chủ quan nhất. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng phần đông khách hàng yêu thích xe bán tải vẫn dành tình cảm cho những đường nét cơ bắp đúng chất Mỹ của Ford Ranger. Tham khảo tại nhiều showroom của Toyota và Ford, nhiều khách hàng đánh giá la zăng mâm đúc 6 chấu kép đẹp mắt trên Ford Ranger, thay vì loại hợp kim 17 inch khá đơn giản của Toyota Hilux.
Bước vào nội thất sẽ có nhiều điểm để luận bàn hơn. Đó là khi Ranger cho thấy vì sao nó được yêu thích hơn Hilux tại Việt Nam. Dễ nhìn thấy nhất là Ranger có màn hình hiển thị đa chức năng còn Hilux thiếu vắng và chỉ được trang bị màn hình TFT 4,2 inch. Điều này khiến Hilux trở nên “kém sang” đáng kể so với đối thủ. Các thao tác, mệnh lệnh trên Ranger sẽ trở nên linh hoạt và trực quan hơn.
Ngoài ra, Toyota Hilux cũng thua thiệt hơn khi không có các trang bị trên đối thủ như: Hỗ trợ đổ đèo, camera lùi, cảm biến lùi phía sau, ga tự động, kiểm soát hành trình, cảnh báo chuyển làn, cảnh báo va chạm, điều khiển bằng giọng nói. Trong số đó, hỗ trợ đổ đèo, camera lùi hay kiểm soát hành trình là 3 tính năng mà người dùng khá ưa chuộng hiện nay. Bởi nếu phải đi xa - tính đặc thù của dòng xe bán tải - kiểm soát hành trình (cruise control) sẽ là “bạn đồng hành” đắc lực với bất kỳ tài xế nào khi giúp người lái điều khiển xe linh hoạt hơn, nhẹ nhàng hơn. Trong khi đó, hỗ trợ đổ đèo sẽ là tính năng cần thiết trên các địa hình đồi núi - môi trường mà bất kỳ dòng bán tải nào cũng sẽ phải thử sức và thường xuyên đối mặt trong vòng đời sử dụng. Còn camera lùi hay cảm biến lùi sẽ trợ giúp người lái dễ dàng xoay xở hơn nhất là khi chỉ có một mình.
Vậy Toyota Hilux có gì khi kém hơn đối thủ trên nhiều phương diện? Đó là mức giá cạnh tranh hơn. Toyota Việt Nam định giá Hilux từ 693-877 triệu đồng trong khi Ford Ranger có giá từ 619-921 triệu đồng. Bản cao nhất của Ranger có giá cao hơn dòng cao của Hilux nhưng tất nhiên đi kèm với nhiều trang bị hơn. Song, ngay ở điểm này, Ranger vẫn vượt trội ở các tùy chọn ứng với từng giá tiền và mục đích sử dụng với 8 phiên bản. Trong khi Hilux chỉ có 3 phiên bản.
Tuy nhiên, nhắc tới giá, Hilux với hình ảnh của một chiếc xe Toyota sẽ có lợi thế về khả năng bán lại hơn so với Ford Ranger. Hệ thống đại lý của Toyota cũng rộng hơn so với Ford nên các công tác sửa chữa, bảo hành sẽ tiện lợi hơn, nhất là với những người tiêu dùng trên vùng cao - bộ phận khách hàng quan trọng của bất kỳ hãng xe nào chú trọng vào phân khúc bán tải.
Song, chênh lệch 40 triệu đồng sẽ chưa đủ tạo ra sức bật thật sự mạnh mẽ cho Hilux tại Việt Nam với các trang bị thiếu thốn như thế. Nếu Hilux tại Thái Lan được nhập về nguyên chiếc thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác, ít nhất ở mục tiêu 300 xe/tháng vẫn chưa đạt được.
G.N