10. Mazda CX-9
Sản lượng: 291 chiếc
Giá tham khảo: 1,855 tỷ đồng
Đây là một mẫu xe khó hiểu của Mazda tại thị trường Việt Nam. Không có điểm gì đặc biệt, thiết kế bình thường, trang bị công nghệ cũng không đủ phong phú để người tiêu dùng sẵn sàng chi ra hơn 1,8 tỷ đồng để mua CX-9.
So với các đối thủ hay chính các “anh em” khác được coi là có mức giá khá “mềm” thì rõ ràng, CX-9 mang nhiều bất lợi để cạnh tranh ở phân khúc SUV 7 chỗ ngồi.
9. Kia Sportage
Sản lượng: 230 chiếc
Giá tham khảo: 998 triệu đồng
Tại phân khúc SUV 5 chỗ ngồi hiện nay có lẽ Kia Sportage chính là cái tên có sức cạnh tranh yếu nhất. Trong khi Honda CR-V, Mazda CX-5 và Hyundai Tucson sở hữu thiết kế cá tính cùng dày đặc những trang bị công nghệ thì Kia Sportage lại khá bình thường.
Bên cạnh đó, với mức giá bán lẻ xấp xỉ 1 tỷ đồng, rõ ràng một mẫu xe xuất xứ Hàn Quốc như Sportage khó lòng cạnh tranh ngang ngửa với những cái tên đình đám đến từ Nhật Bản là Honda CR-V và Mazda CX-5.
8. Chevrolet Captiva
Sản lượng: 226 chiếc
Giá tham khảo: 829 triệu đồng
Captiva có lẽ là cái tên tiêu biểu nhất cho “vận đen” của thương hiệu Chevrolet tại thị trường Việt Nam. Sau thế hệ ra mắt hồi cuối thập niên 2000, đa số người tiêu dùng đã bị “vấp” tâm lý về một dòng xe chất lượng thiếu ổn định.
Với thế hệ mới ra mắt hồi cuối năm 2014, Captiva đã thay đổi đáng kể về tính năng lái. Những ai đã từng cầm lái Captiva thế hệ cũ sẽ dễ dàng nhận ra sự lột xác của Captiva mới. Tuy nhiên, sức mua đối với Captiva vẫn chưa thực sự có nhiều chuyển biến. Một điểm yếu nữa là hãng xe Mỹ đã không dành nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng khi chỉ đem về duy nhất một phiên bản LTZ.
7. Honda Accord
Sản lượng: 201 chiếc
Giá tham khảo: 1,47 tỷ đồng
Trên thị trường thế giới, Accord là mẫu xe cạnh tranh ngang ngửa với đối thủ đồng hương Toyota Camry. Thế nhưng tại thị trường Việt Nam, Accord lại thất bại nặng nề. Bất lợi về giá trị thương hiệu với Toyota, bất lợi về thiết kế và công nghệ so với các đối thủ Hàn Quốc, rõ ràng Honda Accord khó lòng cạnh tranh về sản lượng bán hàng.
Bên cạnh đó, với chính sách giá, marketing, bán hàng và sau bán hàng chưa hợp lý của Honda thì có lẽ Accord cũng chỉ nên dừng ở vai trò bán ra… cho có.
6. Chevrolet Orlando
Sản lượng: 179 chiếc
Giá tham khảo: 759 triệu đồng
Nếu như Captiva từng bị “tì vết” do thế hệ trước để lại khiến sức mua kém thì Orlando lại gặp phải trở ngại bởi sự lỡ cỡ của mình. Giá bán của Orlando không cao song ở với nhu cầu về một chiếc xe thể thao đa dụng 7 chỗ ngồi, người tiêu dùng Việt Nam có nhiều lựa chọn khác hợp lý hơn như Ford Everest, Toyota Fortuner hay chính mẫu xe “trong nhà” là Captiva.
5. Suzuki Grand Vitara
Sản lượng: 81 chiếc
Giá tham khảo: 729 triệu đồng
Ở phân khúc SUV 5 chỗ ngồi, Grand Vitara là một mẫu xe không đến nỗi tệ. Nếu như thiết kế nội thất có phần hơi rẻ tiền thì đổi lại, kiểu dáng và ngoại thất của mẫu xe Nhật Bản này là khá bắt bắt. Nhưng vấn đề với Grand Vitara chính là kết quả của chiến lược phát triển của Suzuki tại Việt Nam. Đó là sự hời hợt trong hoạt động marketing và truyền thông, sự nghèo nàn của hệ thống phân phối và hậu mãi.
Do vậy, nếu như không có sự đột phá về giá bán và công nghệ, Grand Vitara xem như không có nhiều cơ hội cạnh tranh với các đối thủ cùng hạng. Chưa kể, Suzuki cũng cần tránh trường hợp “vấp ngã” như với mẫu xe đàn em Swift liên quan đến bộ phận chân phanh.
4. Mekong Premio
Sản lượng: 71 chiếc
Giá rẻ nhưng chất lượng kém. Đó là nhận định ngắn gọn của người tiêu dùng đối với các mẫu xe mang thương hiệu Mekong hiện nay. Vì vậy, việc Premio hay Pronto chưa khi nào thoát khỏi nhóm xe ế ẩm là hoàn toàn dễ hiểu.
3. Mekong Pronto
Sản lượng: 55 chiếc
Tương tự Premio, số phận của Pronto cũng không có khác biệt nào đáng kể. Ngoại trừ mức giá bán dưới 500 triệu đồng thì xét ở hầu hết mọi mặt, Pronto rõ ràng không có thế mạnh gì để cạnh tranh trên thị trường ôtô Việt Nam đang ngày càng phát triển và người tiêu dùng cũng ngày càng khó tính.
2. Mitsubishi Pajero
Sản lượng: 36 chiếc
Giá tham khảo: 1,88 – 2,079 tỷ đồng
Pajero là một mẫu xe khá thú vị của Mitsubishi. Tuy nhiên, bất lợi về thương hiệu, hệ thống dịch vụ của thương hiệu Nhật Bản này đang khiến Pajero ngày càng mất đi sức cạnh tranh. Chưa kể, với mức giá bán lẻ trên dưới 2 tỷ đồng, người tiêu dùng cũng còn lựa chọn hợp lý hơn là mẫu xe Prado của Toyota.
1. Toyota FT86
Sản lượng: 1 chiếc
Kém khách nhất với chỉ duy nhất 1 chiếc bán ra trên toàn thị trường trong cả năm 2015 song FT86 lại không hề gây bất ngờ, nhất là trong Top 10 xe bán chạy, Toyota có đến 5 đại diện.
Ngay từ ngày đầu ra mắt hồi giữa năm 2012, hãng xe Nhật Bản đã khẳng định nhiệm vụ của FT86 không phải là tạo doanh số mà chỉ là để làm thương hiệu. Và ở khía cạnh này, “con chung” của Toyota với Subaru đã ít nhiều hoàn thành nhiệm vụ.
G.N