Phóng viên: Thị trường chứng khoán Việt Nam suy giảm kéo dài hơn một tháng qua, đặc biệt là thanh khoản thấp cùng hoạt động bán ròng đáng chú ý của khối nhà đầu tư nước ngoài. Vì sao Techcombank vẫn quyết định niêm yết vào ngày 4-6, và rồi giá cổ phiếu (mã chứng khoán: TCB) đã chịu chung đà giảm của cả thị trường?
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh: Tôi cho rằng nếu nhìn vào giai đoạn này để đánh giá rằng phù hợp hay không phù hợp để niêm yết là rất khó nói. Lộ trình niêm yết đã bắt đầu từ hai năm trước, và chúng tôi tập trung thực hiện niêm yết theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, một khi cổ phiếu lên sàn, biến động giá sẽ do mức độ cung cầu của thị trường quyết định, việc giá trị tăng giảm về dài hạn sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố, chứ không phụ thuộc nhiều lắm vào thời điểm lên sàn.
Còn về triển vọng giá cổ phiếu Techcombank, xin cho phép Ban điều hành Techcombank không bình luận. Chúng tôi chỉ có thể tập trung vào công việc và việc của chúng tôi là xây dựng môi trường để toàn thể CBNV có cơ sở, công cụ phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Từ đó tạo ra doanh thu, lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng. Chúng tôi không có khả năng điều khiển giá cổ phiếu, nhất là cổ phiếu đã niêm yết như của Techcombank. "Khẩu vị" của mỗi nhà đầu tư rất là khác nhau. Do đó giá cổ phiếu trên thị trường biến động theo chiều hướng nào, theo tôi, sẽ được quyết định bởi kết quả kinh doanh và triển vọng sinh lời dài hạn.
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank
Nhiều nhà đầu tư đang cho rằng Techcombank muốn "chơi trội" khi ngưng chia cổ tức mấy năm liền, để rồi nay chia cổ phiếu thưởng đến 200%?
Tôi có thể khẳng định ngay là chúng tôi không chơi trội. Thực tế, chiến lược của một ngân hàng được xây dựng cho nhiều năm, và lộ trình tăng vốn để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lên đến gần 35.000 tỉ đồng không thể là một quyết định nhất thời. Chúng tôi dùng lợi nhuận giữ lại trong nhiều năm qua để thực thi chiến lược 2016-2020. Thời điểm này phù hợp với công việc tăng vốn điều lệ vì chúng tôi cũng vừa hoàn tất vụ bán cổ phiếu quỹ cho các quỹ đầu tư quốc tế. Những chuyện này hoàn toàn nằm trong lộ trình và kế hoạch của chiến lược phát triển ngân hàng.
Như ông chia sẻ thì Techcombank nhận được sự tin tưởng từ nhà đầu tư nước ngoài trong chiến lược phát triển. Vậy chiến lược của ngân hàng cụ thể ra sao?
Dựa trên đánh giá của các quỹ đầu tư lớn trên thế giới, mức giá 128.000 đồng/cổ phiếu TCB được tính để khi chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 1:2 thì giá sẽ được điều chỉnh về khoảng 46.000 đến 50.000 đồng/cổ phiếu là hợp lý.
Thêm vào đó, mức giá trên không phải chúng tôi đưa ra, mà đó là giá mà nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã đăng ký để mua. Họ đánh giá cao và so sánh ngân hàng Techcombank với các ngân hàng mạnh khác trong khu vực. Trong nhiều năm qua, Techcombank đã chú trọng xây dựng nền tảng vững chắc nhằm cung cấp dịch vụ và phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, vì thế họ tin vào tiềm năng phát triển trong tương lai của Techcombank.
Về phương châm và chiến lược của Techcombank, tôi xin chia sẻ như sau: tất cả mọi việc mỗi người trong ngân hàng làm đều xoay quanh nguyên tắc "khách hàng là trọng tâm". Từ góc cạnh đó, chiến lược của ngân hàng là 1) phát triển con người, 2) xây dựng hệ thống quản trị rủi ro và vận hành, 3) tạo dựng nguồn lực, dữ liệu và công cụ để toàn thể hơn 8.500 CBNV chúng tôi đều phục vụ được khách hàng một cách tốt nhất.
Nói riêng về doanh thu, cơ cấu doanh thu của ngân hàng đến từ hai phần chính: một là lãi từ cho vay, hai là phí dịch vụ. Gần đây, Techcombank tập trung tăng tỷ trọng doanh thu từ dịch vụ. Chúng tôi thường ví von là "đi làm công" để giảm thiểu áp lực cho vay, và từ đó, rủi ro tín dụng. Chúng tôi giảm chỉ tiêu tăng dư nợ bằng nâng tầm quan trọng của dịch vụ vượt trội.
Bình thường, một trong những chi phí lớn nhất và mối quan tâm lớn nhất trong ngành ngân hàng là nợ xấu. Tôi ví dụ, với mức lợi nhuận là 2% một khoản vay, khi mình mất một món vay 1 tỷ, thì ngân hàng phải bù doanh thu bằng 50 món vay 1 tỷ khác mới gỡ huề. Vì thế ngân hàng Techcombank chúng tôi không chọn hướng đi vào những chỗ rủi ro cao. Như khi chúng ta lái xe, thấy một vũng nước mà không biết độ nông, sâu thì tốt nhất tránh đi, đừng chạy xe vào.
Như vậy, chiến lược xuyên suốt của Techcombank là không tập trung phụ thuộc vào nguồn thu từ các hoạt động tín dụng. Ngược lại, chúng tôi cố gắng đưa rủi ro tín dụng xuống mức thấp nhất có thể. Trong khi đó, ngân hàng sẽ nỗ lực đưa ra các dịch vụ có giá trị cao cho khách hàng. Dĩ nhiên, để thực hiện được điều này thì không dễ, đòi hỏi hệ thống công nghệ thông tin mạnh, và nhất là đội ngũ CBNV có tinh thần phục vụ khách hàng cao nhất. Về lâu dài những yếu tố này sẽ giúp cho ngân hàng có được tốc độ phát triển đều đặn và bền vững.
Trong nhiều năm qua, Techcombank cần mẫn với việc xây dựng ngân hàng bán lẻ, và thu nhập từ lãi cho vay mua nhà, mua xe, nguồn thu từ các dịch vụ cung cấp cho khách hàng cá nhân tăng đều hàng năm. Riêng về cho vay mua nhà dự án để ở thì chúng tôi chiếm tới 31% thị phần. Trong khi đó nợ xấu cho vay bất động sản của Techcombank rất thấp. Rủi ro cho vay kinh doanh bất động sản thì cao, nhưng ngược lại cho vay mua nhà để ở lại rất thấp. Vì thế Ngân hàng Techcombank tập trung hầu hết vào khách hàng vay mua nhà để ở.
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng rủi ro lớn thì lợi nhuận sẽ cao, thưa ông?
Qua kinh nghiệm chuyên môn của HĐQT và Ban Điều hành chúng tôi, câu nói "high risk - high return" (rủi ro cao, lợi nhuận cao) không hề áp dụng cho ngân hàng Techcombank. Vì khi đầu tư vào các nơi rủi ro cao mà ngân hàng không sẵn sàng thì người dân sẽ gánh hậu quả rất nặng nề. Tôi thấy câu nói "low risk - moderate return" (rủi ro thấp, lợi nhuận phù hợp) thì đúng hơn cho ngân hàng Techcombank chúng tôi.
Ở Techcombank, chiến lược quản trị rủi ro dựa trên các nguyên tắc: an toàn trong hoạt động cho vay; đa dạng danh mục khách hàng vay; đơn giản, thuận tiện trong quy trình; cam kết đầu tư vào phát triển con người và hệ thống; và thận trọng về đối tượng cũng như chính sách các khoản vay trung và dài hạn. Chính nhờ tinh thần cẩn trọng trong quản trị rủi ro nên tỷ lệ nợ xấu (nợ nhóm 3 đến nhóm 5) của Techcombank tại thời điểm 31/12/2017 và 31/3/2018 của Techcombank lần lượt ở mức 1,61% và 1,87% tổng dư nợ.
Ngoài chiến lược quản trị rủi ro khá chặt chẽ được nhà đầu tư đánh giá cao như ông vừa chia sẻ, còn những yếu tố nào khiến nhà đầu tư quan tâm đến Techcombank, thưa ông?
Các quỹ đầu tư trên thế giới khi đến làm việc với Techcombank, ngoài những con số, họ quan tâm đến con người và cấp bậc lãnh đạo. Cụ thể, họ đánh giá cao chiến lược của chúng tôi nhưng họ cũng hỏi ngay lập tức về việc chúng tôi xây dựng, đào tạo đội ngũ ra sao để có thể thực thi các kế hoạch lớn của ngân hàng.
Nếu việc đưa ra chiến lược như việc xây một căn nhà, thì con người chính là nền móng. Nếu móng không chắc, căn nhà sẽ khó mà đứng vững trước giông tố. Biết rõ điều này nên chúng tôi đã tập trung vào xây dựng đội ngũ từ nhiều năm trước, đặc biệt đẩy mạnh hơn trong ba năm vừa qua. Chúng tôi tuyển nhiều nhân tài từ các ngân hàng, quỹ đầu tư lớn nước ngoài, những người có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng, vận hành mô hình ngân hàng tiên tiến để thực thi chiến lược. Họ vừa tổ chức xây dựng nền tảng, vừa đào tạo nhân viên. Để có đội ngũ mạnh thì chúng tôi phải thay đổi khá nhiều trong cơ cấu tổ chức. Chúng tôi đang vận hành ngân hàng theo mọi chuẩn quốc tế tiên tiến nhất. Do đó năng suất lao động của Techcombank rất cao. Tuy nhiên, do ít người mà nhiều việc nên chúng tôi luôn cần những nhân sự có khả năng cao, có tư duy làm việc hết mình và đam mê trong công việc, cống hiến cho tổ chức và cho cộng đồng.
Trong việc xây dựng, đào tạo, tuyển dụng, chúng tôi lựa chọn trước tiên là người phù hợp với hệ thống và mục tiêu chung của ngân hàng, sau đó mới đến yếu tố kinh nghiệm, kỹ năng. Chúng tôi cũng cơ cấu lại các nhiệm vụ của các vị trí trong ban điều hành cho phù hợp, phát huy được khả năng của từng người cho đúng vị trí, chức năng và phạm vi công việc
Chúng tôi luôn cố gắng tạo động lực cho nhân viên, và khẳng định chắc chắn với nhau rằng con thuyền của chúng tôi muốn vượt sóng tiến lên thì mỗi người nắm tay chèo, chịu trách nhiệm về một số việc chuyên môn của mình. Ban lãnh đạo dù giỏi đến đâu mà không có đội ngũ mạnh thì con thuyền khó mà ra biển lớn.
Ngoài ra, trong quá trình phát triển, chúng tôi thấy việc đón đầu công nghệ thông tin là chuyện cần làm sớm, nên HĐQT đã quyết định dành hơn 300 triệu đô la Mỹ đầu tư vào các lãnh vực công nghệ thông tin trong ba năm tới để phục vụ ngân hàng số. Đây là khoản đầu tư rất lớn, ngay kể khi so với mức độ đầu tư của các ngân hàng trong khu vực Á Đông. Chúng tôi cho đây là điểm thiết yếu trong công trình phát triển ngân hàng Techcombank. Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển nhanh, mạnh, sẽ là tụt hậu nếu chúng tôi không mạnh dạn đầu tư vào thời điểm này. Do đó, nhiều nhà đầu tư lớn của nước ngoài rất tin tưởng vào sự phát triển của Techcombank trong tương lai.