Tại Châu Á, giá dầu ăn đã lập kỷ lục cao nhất trong vòng nhiều năm nay do lo ngại nguồn cung trên toàn cầu bị thắt chặt.
Trên sàn giao dịch Đại Liên (Trung Quốc), giá dầu đậu tương và dầu cọ trong phiên 13/5 tăng lên mức đỉnh chưa từng có trong vòng 8 năm, đạt lần lượt 9.184 CNY/tấn và 8.344 CNY/tấn.
Trước đó, hôm 6/5, giá dầu cọ tại Malaysia đã đạt mức cao nhất trong vòng 13 năm, khi lên tới 4.231 ringgit (1.027 USD)/tấn.
Trong khi đó, giá dầu hạt cải trên Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu phiên 13/5 đạt mức cao kỷ lục lịch sử, là 11.119 CNY/tấn. Giá đậu tương trên sàn Chicago phiên liền trước, 12/5, có thời điểm cũng ở mức cao nhất gần 9 năm.
Mức tăng giá các loại dầu thực vật trong vòng một năm qua
Trong nước, giá dầu ăn cũng rục rịch tăng từ ngay sau Tết, đến nay trở thành một trong những mặt hàng có mức biến động nhiều nhất, trung bình giá dầu ăn nhập sỉ từ đầu năm 2021 đến nay đã tăng 7 - 9% sau nhiều lần được điều chỉnh tăng. Theo đó, giá dầu Tường An mua sỉ trước đây giá 29.500 đồng/chai nay tăng lên 31.500 đồng/chai, bán lẻ 33.000 đồng/chai; dầu Cái Lân bán lẻ tăng từ 28.000 đồng/chai 1 lít nay lên 30.000 – 32.000 đồng/chai.
Theo nhà phân tích Zhao Jinghe thuộc Beijing Aohan Investment Co., : "Giá dầu đậu tương, dầu cọ và dầu hạt tăng bởi xu hướng tồn trữ dầu thực vật trên toàn cầu liên tiếp giảm xuống mức thấp" và "Giá dầu ăn dự báo sẽ tiếp tục tăng do ảnh hưởng từ việc giá dầu đậu tương tăng."
Nhà phân tích Kong Lingqi của Haitong Futures hôm 12/5 cho biết: "Thị trường lo ngại tồn trữ đậu tương của Mỹ cuối vụ sẽ tiếp tục giảm, dẫn tới cung – cầu bị thắt chặt", và "Nếu báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy lượng tồn trữ sắp tới sẽ giảm so với năm trước, hoặc giảm so với dự kiến thì xu hướng tăng giá (của mặt hàng dầu ăn) chắc chắn sẽ xảy ra".
Và đúng như dự đoán, trong báo cáo vừa công bố, USDA dự báo tồn trữ dầu cọ thế giới trong niên vụ 2021/22 sẽ ở mức 4,085 triệu tấn, thấp hơn mức 4,464 triệu tấn dự báo cách đây mọt tháng, và thấp hơn so với cả 2 niên vụ trước (tồn trữ cuối niên vụ 2019/20 là 4,301 triệu tấn, cuối vụ 2020/21 là 4,508 triệu tấn).
Tiêu thụ dầu đậu tương trên toàn cầu niên vụ 2021/22 dự báo sẽ tăng 4%, chủ yếu do nhu cầu tăng mạnh ở Trung Quốc.
Việc nước sản xuất dầu cọ chủ chốt là Malaysia phải một lần nữa đóng cửa nền kinh tế để hạn chế sự lây lan virus Covid-19 càng làm gia tăng lo ngại rằng nguồn dự trữ dầu thực vật toàn cầu sẽ càng bị thu hẹp.
Cung - cầu các loại dầu ăn chính trên toàn cầu
Năm ngoái, việc Malaysia phong tỏa chống Covid-19 đã cản trở hoạt động sản xuất và khai thác cọ, và việc hạn chế đi lại gây ra tình trạng thiếu nghiêm trọng nhân lực lao động ở nước sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 thế giới.
Dự báo, giá dầu thực vật trong năm 2021/22 (tháng 10 – tháng 9) sẽ giảm dần do Trung Quốc đang nỗ lực giảm nhập khẩu dầu cọ nói riêng và các loại hạt nói chung bằng cách đầu tư tăng sản xuất trong nước.
Cơ quan Dự báo Nông nghiệp Trung Quốc (CAOC) đã hạ dự báo về lượng dầu cọ nước này sẽ nhập khẩu trong năm 2021/22 xuống 4,2 triệu tấn, từ mức 4,5 triệu tấn của năm 2020/21 (tuy nhiên, điều này trái ngược với báo cáo của USDA công bố hôm 12/5, theo đó dự báo nhập khẩu dầu cọ vào Trung Quốc năm 2021/22 sẽ tăng lên 7,2 triệu tấn, cao hơn gần 6% so với năm 2020/21). Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu cọ lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ.
Theo báo cáo của Vụ Đánh giá Cung - Cầu Nông nghiệp Trung Quốc (CASDE), giá dầu cọ trong năm 2020/21 ước tính vững ở mức 6.600-7.600 CNY (1.022,86- 1.177,84 USD)/tấn. Điều này cho thấy giá dầu cọ sẽ không sớm giảm trong thời gian tới.
Tham khảo: Feedandgrain, Refinitiv