Báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, tổng sản lượng bán hàng trên toàn thị trường tháng 3 đạt 24.802 chiếc, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng đến 112% so với tháng liền trước.
Khách hàng tìm hiểu thông tin về chiếc xe tại triển lãm Ô tô
Trong đó, phân khúc xe du lịch đạt 13.246 chiếc, tăng 105% so với tháng liền trước; phân khúc xe thương mại đạt 9.206 chiếc, tăng 100%; và phân khúc xe chuyên dụng đạt 2.350 chiếc, tăng 249%.
Cộng dồn đến hết quý 1/2016, tổng sức mua ôtô trên toàn thị trường đạt 59.685 chiếc, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét theo phân phúc thì các loại xe du lịch đạt tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất với vẻn vẹn 6%, đạt 33.782 chiếc; các loại xe thương mại tăng 55%, đạt 22.005 chiếc; phân khúc xe chuyên dụng có bước tăng trưởng cao hơn cả, tương ứng là 57% với 3.898 chiếc được bán ra.
Điểm nhấn của thị trường ôtô Việt Nam 3 tháng đầu năm nằm ở mối tương quan giữa nhóm xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) và xe sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD).
Cũng theo báo cáo của VAMA, tổng sản lượng bán hàng cộng dồn quý 1/2016 của các loại xe CKD đạt 46.617 chiếc, tăng 55%. Trong khi đó, tổng lượng xe CBU nhập khẩu đạt 13.068 chiếc, giảm 36% so với cùng kỳ 2015.
Cùng thời gian này năm ngoái, tỷ lệ tăng trưởng của sức mua ôtô CKD đạt 60% và xe CBU đạt 69%. Sự chênh lệch về tỷ lệ tăng trưởng giữa hai thị trường này càng về cuối năm càng giãn rộng. Tuy nhiên, sang năm 2016, tình thế lại bắt đầu có phần đảo ngược theo hướng bất lợi cho các loại xe CBU.
Cụ thể là ngay từ ngày 1/1/2016, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của các loại xe CBU bắt đầu được tính trên giá bán buôn cho đơn vị phân phối, bán lẻ thay vì được tính trên giá CIF + thuế nhập khẩu như trước đây. Thay đổi này đã khiến giá bán lẻ của xe CBU đội lên trên dưới 3% tùy loại.
Thậm chí, tình thế bất lợi của nhiều loại ôtô CBU sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế.
Theo đó, từ ngày 1/7/2016, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô CBU chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi-lanh động cơ từ 1.500 cm3 trở xuống sẽ giảm từ mức 45% hiện hành xuống còn 40%, sau đó giảm tiếp xuống còn 35% kể từ ngày 1/1/2018.
Thuế suất đối với xe có dung tích xi-lanh trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3 giữ nguyên mức 45% hiện hành đến ngày 31/12/2017, sau đó giảm xuống còn 40% từ ngày 1/1/2018. Các loại xe có dung tích xi-lanh trên 2.000 cm3 đến 2.500 cm3 sẽ giữ nguyên mức 50% hiện hành.
Đán chú ý là thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho xe có dung tích xi-lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 sẽ tăng từ mức 50% hiện hành lên 55% kể từ ngày 1/7/2016, sau đó tăng tiếp lên 60% kể từ ngày 1/1/2018.
Từ mức thuế suất 60% hiện hành, thuế suất của các loại xe có dung tích xi-lanh trên 3.000 cm3 đến 4.000 cm3 sẽ tăng lên 90%, xe có dung tích xi-lanh trên 4.000 cm3 đến 5.000 cm3 tăng lên 110%, xe có dung tích xi-lanh trên 5.000 cm3 đến 6.000 cm3 tăng lên 130% và xe có dung tích xi-lanh trên 6.000 cm3 tăng lên 150%.
Nếu như các loại xe có dung tích động cơ nhỏ chỉ giảm nhẹ thuế suất thì các loại xe có dung tích lớn từ trên 2.500 cm3 chuẩn bị phải chịu mức thuế suất tăng mạnh. Đối với các loại xe nhập khẩu thì nhóm xe có động cơ dung tích từ 1.500 cm3 trở xuống chiếm tỷ lệ không đáng kể.
Do đó, tất cả các loại xe còn lại đều phải chịu bất lợi từ chính sách thuế kể từ ngày 1/7/2017 và bất lợi sẽ tỷ lệ thuận theo dung tích xi-lanh động cơ của từng loại xe.
Với những tác động trên của chính sách thuế, gần như chắc chắn thị trường ôtô nhập khẩu thời gian tới sẽ khó có thể lấy lại lợi thế so với xe CKD như năm ngoái, thậm chí sẽ ngày càng suy giảm. Những chuyến biến mới theo hướng tích cực hơn với xe CBU có lẽ sẽ chỉ có câu trả lời rõ ràng khi đồng hồ thời gian bước sang năm 2018.
Theo Đức Thọ/Vneconomy