Nắn đường tránh “rừng rốn”
Tu Ton, ngôi làng ở thôn 4, xã Trà Linh, H.Nam Trà My (Quảng Nam), nằm cheo leo bên sườn núi. Nhìn có vẻ rất gần, kỳ thực để đặt chân vào làng, khách phải mất không dưới 2 giờ lội bộ. Bởi vậy, khi nghe chính quyền địa phương triển khai dự án đường giao thông vào vùng sâm, bà con ai cũng khấp khởi. “Có đường thì xe máy, ô tô gì cũng có thể ra vào thuận lợi. Nhưng mở đường, khu “rừng rốn” linh thiêng của làng sẽ bị xẻ đôi. Mà “rừng rốn” thì không thể xâm hại vì đó là nguồn cội của Tu Ton”, già làng Hồ Văn Canh thở dài mở đầu câu chuyện.
Già Canh bảo, người Tu Ton quan niệm rốn của một em bé mới chào đời là phần cơ thể quan trọng, không được chôn mà phải cất giữ ở khu rừng. Rốn sẽ được treo lên ở giữa thân cây xanh tốt với ước nguyện công dân mới sẽ khỏe mạnh như cây rừng. “Khu rừng có từ khi lập làng, trải qua không biết bao đời. Cha ông chúng tôi truyền từ đời này sang đời khác vẫn gìn giữ toàn vẹn, thì nay phải có trách nhiệm bảo vệ”, già Canh nói như đinh đóng cột, “Khu rừng là nơi nhắc mỗi người con của làng dù đi đâu về đâu cũng nhớ đến nơi đang giữ cuống rốn của mình. Đó là nguồn cội của làng”.
Sâm Ngọc Linh bị lo làm giả từ củ đến lá Gần đây, tình trạng sâm giả từ củ đến lá đã trà trộn vào tận thủ phủ sâm Ngọc Linh ở vùng sâu H.Tu Mơ Rông (Kon Tum), gây nhiều khó khăn trong việc bảo vệ thương hiệu.
Tu Ton có 154 hộ gia đình với 266 nhân khẩu. Với ngần ấy số người được sinh ra trong làng là từng ấy chiếc rốn đã được mang đến khu rừng. Già Canh nhẩm tính, năm 2016, khu rừng đã “đón nhận” khoảng 10 chiếc rốn của trẻ sơ sinh. Năm nay, con số này cũng khoảng chừng ấy. Vì mỗi cuống rốn gắn liền với một cây nên người làng chăm sóc khu rừng rất cẩn thận. Tục làng nghiêm cấm việc chặt hạ cây cối trong rừng.
Tất nhiên càng phạt nặng những ai chặt cây có treo rốn, vì mỗi thân cây như đại diện cho sinh mệnh một con người. Cây khỏe thì người khỏe, ngược lại cây bị chặt hạ hoặc xâm hại thì người ốm đau, thậm chí bị đe dọa tính mạng. Lời nguyền này đã vô tình giúp khu rừng rộng gần 2 ha tồn tại suốt nhiều thế hệ. Việc kết từng cuống rốn trong khu rừng độc đáo cũng khiến người làng Tu Ton đoàn kết hơn.
Chừng ấy lý do đủ khiến già Canh và người làng kiến nghị địa phương bằng mọi cách phải nắn tuyến đường đi tránh “rừng rốn”.
Rốn của người dân Tu Ton được gói bọc cẩn thận treo trong rừng
“Không là tỉ phú mới là… chuyện lạ”
Người dưới xuôi có thể chưa quen tai với cụm từ "tỉ phú Xê Đăng", nhưng với ông Hồ Văn Thể, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Linh, thì không lạ. “Người ta trồng sâm Ngọc Linh, giá hàng chục triệu đồng một ký. Không là tỉ phú mới là... chuyện lạ”, ông Thể nói vui. Cả 4 thôn ở xã Trà Linh đều trồng sâm. Riêng thôn 3 với 4 nóc Tác Pang, Hy Ló, Tác Tu, Tác Lang thì số hộ dân trồng sâm 100%. Nhà nào ở thôn 3 cũng trồng ít nhất 100 gốc sâm, giá trị trung bình không dưới 100 triệu đồng. Dần dà, những người có chí làm ăn lớn trên mảnh đất sâm sẽ trở thành “đại gia” đúng nghĩa.
Một trong những cái tên mà ông Thể nhắc đến đầu tiên là Hồ Văn Lượng ở thôn 2, xã Trà Linh. Lượng được biết đến là một đại gia có vườn sâm "khủng" nhất nhì vùng Ngọc Linh. Anh sở hữu khoảng 10 ha sâm, trong đó có khoảng 50.000 gốc sâm 10 - 15 năm tuổi. Ở độ tuổi này, bình quân cứ khoảng 20 gốc sẽ cho 1 kg sâm củ. Với mức giá từ 55 - 75 triệu đồng/kg, hiện anh có trong tay khối tài sản lên đến hàng trăm tỉ đồng. Có tiền, Lượng đầu tư bảo vệ cho vườn sâm của mình rất bài bản, như lắp hệ thống chống trộm, thuê cả chục nhân công trông coi khu vườn. “Cứ cần việc gì phải đầu tư, hoặc xử lý công việc gia đình là tôi lại... nhổ vài gốc hoặc vài chục gốc sâm là đủ. Cũng nhờ mình bán sâm uy tín mà nhiều bạn hàng tít tận Hà Nội hoặc TP.HCM đổ về tìm mua”, anh Lượng nói.
Hộ Hồ Văn Du ở nóc Măng Lùng (thôn 2, xã Trà Linh) cũng nổi tiếng sở hữu nhiều gốc sâm quý nhất vùng. Có tiền, ông Du dựng căn nhà gỗ hoành tráng giữa núi rừng. Tính ra công vận chuyển, xây dựng tốn gấp 5 - 7 lần dưới xuôi, thế mà ông vẫn sẵn sàng chi tiền mua gạch hoa về lát sàn nhà, xây dựng nhà vệ sinh tự hoại với giá trên 100 triệu đồng cùng nhiều vật dụng hiện đại. Một đại gia mới nổi khác, Hồ Văn Bộ ở thôn 3, cũng khiến nhiều người ngả mũ về mức độ giàu có. Giàu, đâm ra... khó tính. Ông chỉ lấy tiền mệnh giá 500.000 đồng khi mua bán sâm. Bởi tiền mệnh giá nhỏ hơn, ông bảo vác mỏi vai. “Hay như Hồ Văn Hình đã học lái ô tô từ 2 - 3 năm nay. Chưa có đường thôi, chứ có là những người như Hình sẽ tậu ngay ô tô chạy về làng liền...”, Phó chủ tịch UBND xã Hồ Văn Thể kể.
Một số liệu thú vị vừa được UBND H.Nam Trà My cung cấp, đã có khoảng 30 hộ dân “gia nhập” vào hàng tỉ phú trồng sâm. Các tỉ phú này được "xếp hạng" dựa trên bảng tổng sắp thu nhập từ hơn 900 hộ dân tham gia trồng sâm Ngọc Linh ở 7 xã, và cùng mới phất trong vòng vài năm trở lại đây nhờ giá sâm tăng. Nhưng, hóa ra hầu hết các tỉ phú này tập trung ở xã Trà Linh, nơi có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp nhất cho việc ươm trồng cây sâm.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My, cho biết sâm Ngọc Linh tăng giá trong 2 năm trở lại đây, nên nhiều tỉ phú trồng sâm “xuất hiện”. “Khi giá sâm lên, đời sống kinh tế của bà con đồng bào cũng lên theo. Lâu nay bà con chủ yếu lo trồng lúa, giờ đã có nhiều thay đổi. Họ trồng rừng, bảo vệ đất dưới tán rừng để trồng sâm nên tự giác ngăn được chuyện đốt rừng làm rẫy”, ông Bửu nói.
Phiên chợ sâm đầu tiên vừa mở hồi đầu tháng 10-2017 đã kích hoạt giao thương của các chủ vườn sâm người Xê Đăng với khách hàng dưới xuôi. Nhưng chỉ với hình thức buôn bán lẻ, riêng năm 2016 đã có đến 2,5 tấn sâm củ được bán ra, thu về hơn 100 tỉ đồng. Chưa kể lá sâm treo giá 4 triệu đồng/kg vẫn không có để bán... Dường như đang có một "cuộc cách mạng sâm" ở hai bên sườn núi Ngọc Linh, khi doanh nghiệp cũng được mời chào. Chính quyền H.Nam Trà My có chủ trương cho thuê dịch vụ môi trường rừng với giá chỉ 200.000 đồng/ha/năm, doanh nghiệp đầu tư vào huyện khó khăn còn được giảm lãi ngân hàng. Nhưng ông chủ tịch huyện không chỉ phấn khởi vì người dân nhiều tiền. Ông khoe thêm chuyện đồng bào vùng cao đang muốn con cái có thêm cái chữ. Ở xã Trà Linh, 100% học sinh được đến trường.