Năm ngoái, giá bán gà chủ yếu cầm cự được ở mức 25.000-26.000 đồng/kg. Thời điểm này, giá thức ăn chăn nuôi còn cao nên giá thành chăn nuôi gà lên đến 30.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 5.000-6.000 đồng/kg (một con gà có trọng lượng tiêu chuẩn 2,5 kg sẽ lỗ khoảng 15.000 đồng/con). Từ đầu năm đến nay, giá gà xuất chuồng chỉ còn dao động từ 21.000-23.000 đồng/kg (mỗi con gà, người nuôi lỗ khoảng 10.000 đồng). Sở dĩ mức lỗ này giảm là do giá thành chăn nuôi gà hiện giảm còn 26.000 đồng/kg so với những năm trước là 30.000 đồng/kg. Nuôi gà bị lỗ kéo dài khiến người nuôi đang phải giảm đàn hoặc ngưng hoạt động nên thị trường thức ăn chăn nuôi giảm sút. Do đó buộc các công ty sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi phải điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi giảm từ 12.000 đồng còn 9.500 đồng/kg để kích thích tiêu thụ.
Ông Đỗ Văn Long, một chủ trại gà ở Đồng Nai, cho biết người nuôi gà công nghiệp nợ nần chồng chất nhưng vẫn cố gắng cầm cự chờ giá lên giống những năm trước nhưng gần 2 năm nay, giá bán chỉ xuống chứ không lên. Nhìn chung, gần 2 năm qua, không có đợt xuất chuồng nào giúp người chăn nuôi có lãi. Nhiều chủ trại chăn nuôi gà cho biết nếu từ nay đến cuối năm, giá bán vẫn dưới giá thành thì họ sẽ bỏ cuộc, không dám nuôi nữa.
Nhiều trại nuôi gà đang bỏ trống do bị thua lỗ vì giá bán dưới giá thành
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Bình Phước, cho biết sở dĩ giá gà trong nước giảm sâu so với giá thành chăn nuôi là do nguồn thịt gà nhập khẩu quá lớn. Những năm trước, mỗi tháng chỉ nhập khoảng 7.000 tấn, năm nay lượng nhập tăng lên gấp đôi, từ 14.000-15.000 tấn/tháng với giá rẻ từ 17.000-19.000 đồng/kg. Mức giá này đang giết chết ngành chăn nuôi trong nước.
Cũng theo ông Ngọc, người chăn nuôi còn gặp phải nhiều khó khăn không đáng như về pháp lý, đất đai sở hữu công trình chuồng trại nếu được nhà nước hỗ trợ về mặt thủ tục hợp pháp nhanh thì mới đủ điều kiện để thế chấp cho ngân hàng. Để vay vốn, đa số cơ sở chăn nuôi đều vướng mắc về pháp lý, sở hữu chuồng trại chưa hợp pháp nên khó vay vốn ngân hàng. Nhà nước phải ngăn chặn thịt nhập giá rẻ, chống bán phá giá vào nước ta thì cơ sở chăn nuôi trong nước mới mạnh dạn đầu tư quy mô lớn, giá thành sẽ thấp hơn và có cơ hội xuất khẩu.
Ông Ngọc cho biết ở Thái Lan, giá thành chăn nuôi bằng nước ta nhưng xuất khẩu và chăn nuôi quy mô lớn hơn nước ta 8 lần (1 tuần, gà công nghiệp trong nước nuôi 3,5 triệu con, ở Thái Lan là 30 triệu con/tuần) do họ không có thịt bán phá giá, không có thịt tạm nhập, còn ở nước ta thịt nhập rất nhiều. Với mức giá thịt gà nhập khẩu chỉ từ 17.000-18.000 đồng/kg nên mọi người đua nhau nhập về hưởng lợi. Vấn đề này cần được các cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh.
Bài và ảnh: Nguyễn Hải