Khi các công ty công nghệ Trung Quốc bắt đầu đổ xô mở các cửa hàng tiện lợi không nhân viên phục vụ cách đây vài năm, một số người hay “ném đá” đã tuyên bố xu hướng này sẽ sớm đi vào ngõ cụt. Và họ đã đúng: Trên khắp Trung Quốc, các cửa hàng từng được coi là tương lai của ngành bán lẻ đểu đã đóng cửa vĩnh viễn.
Cửa hàng tự động Buy-Fresh Go ở trung tâm Thâm Quyến đã đóng cửa. Ảnh: Nikkei
Vào tháng 5, trên đường Hoa Cường Bắc ở trung tâm quận đồ điện tử của Thâm Quyến, một cửa hàng Buy-Fresh Go từng được giới truyền thông ca ngợi như một hình mẫu bán lẻ tự động, đã lặng lẽ đóng cửa chỉ sau khoảng một năm hoạt động. Toàn bộ các thiết bị công nghệ cao được dọn sạch khỏi cửa hàng và một quảng cáo tìm người thuê mới được đặt giữa lối vào.
Ý tưởng đằng sau Buy-Fresh Go và những cửa hàng tự động khác, là tận dụng hệ thống thanh toán qua điện thoại thông minh để loại bỏ việc sử dụng các nhân viên thu ngân, phục vụ hay giám sát. Các hệ thống tự động cũng sẽ thu thập dữ liệu về sở thích của người tiêu dùng, đưa vào trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động kiểm kê và hậu cần.
Cuộc bùng nổ bán hàng tự động
Năm 2016, tập đoàn Amazon đã ra mắt cửa hàng tiện lợi tự động đầu tiên tại Mỹ. Còn tại Trung Quốc, tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba Group Holding cũng mở một cửa hàng tương tự vào năm 2017, tiếp đó các công ty công nghệ khác đua nhau theo chân.
Tới cuối năm 2017, ước tính khoảng 200 cửa hàng tiện lợi tự động đã mọc lên trên khắp đất nước. Theo Itjuzi.com, một công ty nghiên cứu chuyên về đầu tư liên quan đến công nghệ thông tin, doanh nghiệp này đã thu hút 4,3 tỉ nhân dân tệ (620 triệu USD) chỉ riêng trong năm 2017.
Buy-Fresh Go bắt đầu mở rộng ở Thâm Quyến vào tháng 7/2017, và mở cửa hàng trên đường Hoa Cường Bắc không lâu sau đó.
Nhưng cuộc bùng nổ đó kéo dài không lâu. Tới đầu năm 2018, ngành bán lẻ tự động bắt đầu chứng kiến một loạt vụ đóng cửa, thậm chí phá sản. Doanh thu của các cửa hàng lao dốc.
Tại thành phố Quảng Châu, i-Store, chuỗi cửa hàng tiện lợi tự động đầu tiên, cũng lần lượt bị đóng cửa. Tới cuối tháng 3/2018, chuỗi i-Store chỉ còn lại 3 cửa hàng, giảm 2/3 so với thời đỉnh cao.
Tháng 12/2018, JD.com, nhà bán lẻ trực tuyến lớn số hai Trung Quốc, thông báo sẽ ngừng hoạt động mạng lưới bán lẻ thông minh, gồm các cửa hàng tự động nhỏ có kích thước chỉ như một ki ốt tại nhà ga tàu hỏa. Tháng 7/2018, JD.com thông báo kế hoạch tới cuối năm sẽ mở 5.000 cửa hàng như vậy trong các tòa nhà văn phòng và nhiều địa điểm khác tại các thành phố. Tuy nhiên, kế hoạch này đã chết yểu 6 tháng sau đó.
Chuyện gì đã xảy ra?
Theo trang Nikkei Asian Reviews, khó khăn trong việc bán các đồ tươi trong cửa hàng tự động là một trở ngại lớn.
Các chuyên gia trong ngành cho biết, một cửa hàng tiện lợi tại một thành phố lớn như Bắc Kinh cần đạt doanh số ít nhất 5.000-6.000 tệ (170-200 triệu đồng) mỗi ngày để có thể duy trì hoạt động. Một phần đáng kể trong doanh số này là từ các bữa trưa đóng hộp, bữa ăn tươi làm sẵn, món tráng miệng và các sản phẩm khác có hạn sử dụng ngắn.
Ở Nhật Bản và Trung Quốc, biên lợi nhuận gộp của thực phẩm chế biến (thực phẩm đóng hộp), vốn để được lâu hơn, chiếm khoảng 25%, trong khi các thực phẩm ăn nhanh và tươi sống chiếm từ 40%-50%.
Nói cách khác, tỷ lệ thực phẩm tươi tại cửa hàng tiện lợi càng cao, thì doanh nghiệp càng ổn định.
Nhưng nhiều công ty điều hành các cửa hàng tiện lợi tự động dường như lại thiếu kiến thức đó. Nếu một cửa hàng chỉ bán các sản phẩm hạn dài như đồ uống, "bim bim", thì trong mắt người tiêu dùng, chúng chẳng khác gì những chiếc máy bán hàng tự động lớn.
Mặc dù hình ảnh mới mẻ của các cửa hàng tiện lợi tự động nhanh chóng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, nhưng sự mới lạ đó cũng qua đi rất nhanh. Một vấn đề khác là các công ty kinh doanh cửa hàng tự động tại Trung Quốc dường như không tận dụng tối đa dữ liệu của họ.
Chỉ sau 2 năm, sự bùng nổ cửa hàng tiện lợi tự động của Trung Quốc đã kết thúc. Nhưng những người học được từ thất bại vẫn có thể trở thành người chiến thắng của ngành bán lẻ trong tương lai.