Nhiều cư dân xung quanh ấp rất tường tận về cơ duyên ông đến với những con le le "đẻ ra tiền". Trước đây ông làm nghề kinh doanh mặt hàng vải sợi và quần áo may sẳn tại An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng.
Khi đang làm ăn thuận buồm xuôi gió thì ông bị nhiều người chiếm dụng tiền khá lớn, không còn khả năng thanh toán. Trong lúc túng quẫn, cùng đường, tình cờ ông xem trên mạng xã hội bắt gặp khá nhiều người phát tài nhờ nuôi và bán le le.
Đàn le le được ông Sa Lê nuôi.
Mừng như "bắt được vàng", ông quyết định chuyển hướng làm ăn từ loại gia cầm này. Ban đầu ông chỉ nuôi thử 50 con để thử nghiệm, sau đó thấy khả năng phát triển khá thuận lợi ông tiếp tục nâng số lượng nuôi lên 500, 1.000 và nay là 2.000 con/lứa.
Theo ông Sa Lê, đây là động vật dạng "quý phái", rất khó tính nên nuôi được chúng rất khó khăn và phải hết sức thân thiện mới tiếp cận được nếp sinh hoạt, quán tính của chúng. Không chỉ thành công trong việc nuôi le le thịt bán cho người tiêu dùng, người nông dân dân tộc Chăm này còn rất thành công trong việc ấp bán le le con cho người nuôi cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực chuồng nuôi le le của ông Sa Lê có diện tích khoảng 1.000 mét vuông; ở giữa là tiểu đảo được ông trồng cỏ, xung quanh tiểu đảo là mương nước được thả lục bình để tạo bóng mát. Thức ăn chính là lúa. Để bảo vệ đàn le le khỏi bị chuột, rắn, ông Sa Lê làm một cái nhà kín nhưng chỉ dùng lưới màn nhỏ bao chặt xung quanh.
Theo lời kể của ông Sa Lê, le le bắt đầu mùa sinh sản vào tháng 7 đến tháng 8, khi đó những con đến tuổi sinh sản sẽ bắt cặp với nhau. Quan sát các cặp đôi này, ông chọn ra những cặp khoẻ mạnh rồi tách đàn, tạo ổ cho chúng đẻ. Trung bình một con le le cái đẻ từ 10 đến 15 trứng.
Được biết, trứng le le bắt đầu nở đến lúc bán khoảng 6 đến 7 tháng.
Le le là loại động vật hoang dã nên có sức đề kháng rất cao, hiếm khi bị bệnh. Đây là yếu tố rất thuận lợi cho người nuôi. Trứng le le bắt đầu nở đến lúc bán khoảng 6 đến 7 tháng.
Ông Sa Lê cho biết: "Mỗi con chỉ nặng từ 450 đến 500 gam là xuất bán. Do chúng có độ dinh dưỡng rất cao nên các đại gia từ TPHCM, Cần Thơ, An Giang…đặt hàng liên tục nhưng không đủ hàng bán, tiếc lắm. Năm trước tôi bán được gần 1.800 con, trừ chi phí thức ăn, còn lời trên 800 triệu".
Ông cho biết thêm năm 2016 ông chỉ thử nghiệm vài con gà mái ấp trứng le le, sau mấy lứa đầu tiên thấy trứng le le phù hợp với cách ấp trứng này. Vì thời gian ấp trứng ngắn hơn, đặc biệt là le le con được nở ra bằng cách này khỏe hơn nhiều con giống được nở từ máy ấp trứng công nghiệp.
Hiện nay, từ đàn le le 2.000 con của mình, ông chọn ra vài trăm con cho đẻ trứng, sau đó dùng 70 con gà mái đẻ ấp trứng le le. Sau 22 ngày ấp, ông có từ 500 đến 700 con le le giống; nuôi đến tháng thứ 4 thì có thể xuất bán cho những người có nhu cầu làm giống với giá từ 400 đến 500 ngàn đồng/con. Riêng le le thương phẩm ông bán với giá 550.000 đến 600.000 đồng/con.
Nhờ cách làm này, ông Sa Lê tiết kiệm chi phí, thời gian ấp trứng và bỏ túi bạc tỷ mỗi năm. Phương pháp này hiện được nhiều người nuôi le le tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long áp dụng. Điều đáng quý là ông luôn hướng dẫn người nuôi le le rất tận tình, chu đáo với mong muốn ai cũng đạt kết quả như mình.
Ông Sa Lê đang chăm sóc đàn le le.
Ông U Mơ (dân tộc Chăm, ngụ tại huyện An Phú, tỉnh An Giang) kể lại: "Thấy tôi quá khó khăn, ông Sa Lê kêu xuống nhà để chỉ tôi cách nuôi le le. Sau đó tôi mua 50 con le le nhỏ về nuôi tại nhà, khi bán xong còn lời hơn 30 triệu. Mừng lắm, vậy là hết nghèo. Hiện tại tôi đang nuôi 100 con tại nhà, giá bán ngày càng cao, chắc trúng lớn".
Ông Nguyễn Văn Phúc - Trưởng ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hanh đánh giá: "Đây là tấm gương người dân tộc Chăm rất năng động, sáng tạo, hết lòng vì bà con nghèo nói chung, người Chăm nói riêng. Cạnh đó, ông rất nhiệt tình đóng góp cho các công trình phục lợi công cộng như làm đường, bắt cầu, xây dựng nhà tình thương, giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học".
Hiện nay ông Sa Lê là người Chăm duy nhất ở An Giang thu về bạc tỷ mỗi năm nhờ mô hình nuôi le le và kết quả này sẽ chưa dừng lại trong tương lai. Không những vậy, mô hình này bắt đầu phát triển khá mạnh trong cộng đồng người Chăm ở An Giang.