Đây là các thị trường xuất khẩu tiềm năng - ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết tại diễn đàn xuất khẩu 2015 “Giải pháp thâm nhập thị trường Mỹ và Mỹ Latin” vừa được Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) tổ chức tại TP HCM.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Theo Vụ Thị trường châu Mỹ - Bộ Công Thương, tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương giữa Việt Nam và Mỹ đạt 36,3 tỉ USD năm 2014, trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ lên tới gần 30,6 tỉ USD, tăng 24% so với năm 2013. Mặc dù xuất siêu sang Mỹ nhưng tổng thị phần xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm 1,3% trong tổng nhập khẩu của Mỹ năm 2014.
Ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ, cho rằng cơ hội mở ra khi TPP được ký kết, sẽ tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh chính với Việt Nam tại thị trường Mỹ trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu chưa có các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức đối với Việt Nam khi thâm nhập thị trường Mỹ là sự cạnh tranh quyết liệt, luật lệ phức tạp, nhiều rào cản thương mại và kỹ thuật kể cả tiêu chuẩn lao động và môi trường; doanh nghiệp Việt Nam gia công là chủ yếu.
Ông Trần Duy Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ - Bộ Công Thương nhận định Mỹ Latin có dung lượng nhập khẩu lớn, dân số đông, nhu cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu thụ ở mức cao. Phần lớn người tiêu dùng vẫn ưa chuộng hàng nhập khẩu, phù hợp với hàng hóa của Việt Nam. Các nước Mỹ Latin có chính sách kinh tế đối ngoại hướng về châu Á, trong đó có Việt Nam. Thâm nhập thị trường Mỹ Latin cũng không ít khó khăn vì doanh nghiệp còn thiếu thông tin, rào cản ngôn ngữ giao tiếp, vận chuyển xa, phương thức thanh toán chưa thuận lợi, xu thế bảo hộ gia tăng tại một số thị trường như Mexico, Brazil và Argentina, sự cạnh tranh gay gắt với hàng hóa một số nước châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ) và với hàng hóa tại khu vực Mỹ Latin.
Ông Luis Tsuboyama, đại biện Đại sứ quán Peru tại Việt Nam, cho rằng thương mại 2 chiều giữa 2 quốc gia tăng trưởng. Bắt đầu từ thương mại 2 chiều chỉ dưới 50 triệu USD, xuất nhập khẩu của Việt Nam và Peru tăng 159% trong giai đoạn 2005-2010, sau đó tăng hơn 74,3% chỉ trong 2 năm tiếp theo. Từ khi thành lập Đại sứ quán Peru tại Việt Nam (năm 2013), các mối quan hệ thương mại giữa 2 quốc gia đã được nâng lên, kim ngạch 2 chiều năm 2014 đạt trên 350 triệu USD, tăng 104% so với năm 2013. Chín tháng đầu năm 2015, Peru xuất khẩu sang Việt Nam đạt hơn 50 triệu USD và nhập khẩu từ Việt Nam hơn 250 triệu USD.
Cuba cũng được nhận định là một thị trường ở Mỹ Latin đáng quan tâm đối với doanh nghiệp Việt Nam. Theo Cục Xúc tiến thương mại, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Cuba năm 2014 là 206 triệu USD. Cuba có nhu cầu cao với nhóm thiết bị sản xuất và thực phẩm. Ông Trần Thanh Tú, Tổng Giám đốc Công ty Thái Bình, cho biết công ty mở văn phòng đại diện tại Cuba vào năm 1998, văn phòng đại diện tại Mỹ, Dominican vào năm 2014. Công ty hướng tới trở thành tập đoàn thương mại và đầu tư hàng đầu giữa Việt Nam và Cuba, từ đó mở rộng ra các quốc gia vùng Mỹ Latin. Lợi thế cạnh tranh của công ty là có tầm nhìn, tâm huyết và kinh nghiệm thị trường, hiểu được ngôn ngữ và bản sắc địa phương, nên đáp ứng nhu cầu các phân khúc tiêu dùng. Công ty cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng tốt, ổn định với giá cạnh tranh, nhận được sự tín nhiệm cao từ đối tác cung ứng, hệ thống bán lẻ và người tiêu dùng.
Gia Hưng