Đã làm ra thùng khác nhau, sao đổ rác chung 1 chỗ?
Chị Lưu Hoàng Hà (Văn Quán, Hà Đông) đang chăm sóc người nhà điều trị tại Bệnh viện Xây dựng. Chờ cho bệnh nhân chợp mắt, chị tranh thủ đổ những đồ ăn thức uống dư thừa vào một túi, bỏ đống bông băng vào một túi khác rồi tự tay mang đi vứt.
Lý giải cho hành động tỉ mẩn này, chị giải thích rất đơn giản: "Ở bệnh viện này, mình thấy có nhiều thùng rác màu sắc khác nhau. Mình hỏi nhân viên y tế thì được giải thích: thùng vàng để vứt những thứ lây nhiễm như bông băng, thùng xanh để vứt rác sinh hoạt như cơm canh, hoa quả. Mình nghe thấy rất hay. Không lẽ gì người ta đã làm ra những thùng khác nhau rồi, mà mình lại đổ hết rác chung một chỗ.
Vì thế, sáng sáng, chị rủ các gia đình bệnh nhân chung phòng cùng nhau dọn dẹp, không để thức ăn thừa lưu cữu, gắng giữ gìn nhà vệ sinh khô ráo. Ngày 2 lần, các chị tự phân ca với nhau để kiểm tra và dọn lại phòng bệnh. Việc gì khó thì nhờ nhân viên y tế, còn lại thì tự mình làm sạch phòng.
Bệnh nhân đồng hành với nhân viên y tế
Trong khi đó, tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương những ngày qua lúc nào cũng đông kín. Chị Trần Thị Hải, hộ lý Khoa Khám bệnh - nhiều ngày nay cũng quay cuồng theo guồng quay chóng mặt của bác sĩ.
Trong trang phục bảo hộ gọn gàng, chị cần mẫn thu dọn từng túi rác để đưa về khu lưu giữ tập trung của bệnh viện. Thấu hiểu nỗi vất vả của chị, nhiều gia đình bệnh nhân khi đến đây cũng trở nên có ý thức hơn. Mỗi khi chị đến thu dọn, nhiều người bắt đầu tự đi lau chùi góc tủ của mình, giúp chị sắp xếp ga giường và đổ bỏ thức ăn thừa vào thùng đựng có túi lót màu xanh. Tranh thủ mỗi lần như vậy, chị lại giải thích thêm về ý nghĩa của từng thùng rác và hướng dẫn cho họ cách phân loại thật dễ hiểu.
Không giữ gìn vệ sinh thì tự hại chính mình
Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, không chỉ trong "tâm bão" sốt xuất huyết mà ngay cả những ngày thường, đây cũng là một trong những cơ sở y tế luôn thường xuyên quá tải. Khi dịch sốt xuất huyết bùng phát, người dân càng lo lắng hơn vì trẻ em rất dễ mắc bệnh và có thể lây chéo nhau.
Chị Việt Quỳnh (Hải Dương) có con trai 14 tháng tuổi bị viêm phổi cho biết, ngay khi vào bệnh viện, chị đã được các bác sĩ nhắc nhở về việc giữ gìn vệ sinh giường bệnh, phòng bệnh, khu phụ để các cháu nhỏ được điều trị trong môi trường sạch sẽ nhất. "Con đang ốm nặng, sức đề kháng yếu nên tôi rất lo lắng. Thấy dịch sốt xuất huyết gia tăng, tôi lập tức chuyển cháu qua phòng dịch vụ để được ở phòng tốt hơn, tránh lây nhiễm chéo".
Tuy nhiên, chị cũng hiểu là không thể phó thác hết việc giữ vệ sinh môi trường cho nhân viên y tế. Nếu ở phòng dịch vụ mà chị vẫn vứt rác tùy tiện, phơi quần áo ẩm trong phòng, không giữ sạch nhà vệ sinh thì tiền cao đến mấy cũng không đem lại an toàn cho con chị.
Trao đổi với phóng viên về ý thức của bệnh nhân trong mùa dịch bệnh, PGS, TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Bệnh viện thường xuyên kêu gọi người bệnh và thân nhân tuân theo các quy tắc trong giữ vệ sinh chung, tuy nhiên chúng tôi không ép buộc vì hiểu tâm lý và hoàn cảnh bận rộn của phụ huynh có con đau ốm. Hiện nay, người nhà bệnh nhân đang ngày càng có ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường bệnh viện".
Tự tìm hiểu kiến thức y khoa, hợp tác cùng các y bác sĩ trong quá trình điều trị tại bệnh viện, giữ gìn môi trường sạch sẽ, an toàn - đó chính là những cách "nằm viện thông minh" của người bệnh và thân nhân để có thể tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình, cho gia đình và cho xã hội.
Chị Lưu Hoàng Hà (Văn Quán - Hà Đông) phân loại rác thải tại khu tập trung rác thải ở Bệnh viện Xây dựng - Nguyễn Quý Đức - Hà Nội