Với công nghệ như vậy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định “bã mía quý hơn nước mía” và khuyên các doanh nghiệp nên sang Nhật Bản học công nghệ và nhập giống gốc về.
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, diện tích mía cả nước có khoảng 300.000ha. Hàng năm, ngành mía đường sản xuất ra khoảng 1,5 triệu tấn đường (tạo giá trị khoảng 300.000 tỷ đồng), đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, đồng thời tham gia bình ổn thị trường giá cả trong nước.
Thế nhưng, niên vụ mía đường 2018-2019 lại là năm thứ ba liên tiếp chịu sự tác động tiêu cực của khí hậu thời tiết, giá cả, thị trường trong nước và quốc tế, nhất là kết quả kinh doanh giảm sút, thua lỗ của nhiều nhà máy, công ty trong niên vụ 2017-2018.
Tình hình tiêu thụ đường rất chậm do tồn kho từ vụ trước lớn. Giá đường có được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp, giá bán phổ biến đường kính trắng RS khoảng 10.500 đồng/kg.
Ngành mía đường Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chi phí giá thành sản xuất cao, không đủ sức cạnh tranh với đường của các nước.
Hiệp hội này nhận định, nguyên nhân chủ yếu là tồn kho lớn từ trước, tình trạng buôn lậu chưa giảm. Đường lỏng tiếp tục nhập khẩu gia tăng (năm 2014 nhập khẩu 46.000 tấn thì năm 2018 nhập khẩu 140.000 tấn, tăng hơn 3 lần)...
Lãnh đạo Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, ở các nước, cơ cấu sản phẩm đường chỉ chiếm 60%, còn lại 40% là các sản phẩm phụ (điện, cồn, phân vi sinh... ), trong khi các nhà máy Việt Nam chủ yếu làm ra sản phẩm đường. Thế nên chi phí giá thành sản xuất cao, không đủ sức cạnh tranh với đường của các nước, nhất là Thái Lan.
Vấn đề đặt ra là phải cơ cấu lại công nghiệp chế biến đường theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đủ khả năng cạnh tranh đã được đặt ra với mục tiêu phấn đấu giá thành đường dưới 10.000 đồng/kg. Theo đó, cùng với sản phẩm đường các loại, các doanh nghiệp sẽ phát triển thêm các sản phẩm khác như: điện sinh khối từ bã mía; nhiên liệu sinh học (ethanol, cồn từ mật rỉ và mía); phân bón hữu cơ, vi sinh từ bã bùn,...
Tại buổi làm việc với Hiệp hội mía đường Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tư cho rằng nên tận dụng bã mía để làm giá thể nấm. Đây là một hướng tiếp cận mới.
Bộ trưởng dẫn chứng mô hình ở Vĩnh Phúc, làm nấm trên diện tích hơn 2.000 m2, nhưng tháng nào cũng thu 400-500 triệu nấm tỏi gà. Hay mô hình trồng nấm rơm tại Lâm Đồng, cứ 1m2 nấm rơm bằng công nghệ của Nhật Bản cho 20 kg nấm mà 1kg nấm bây giờ bán 150.000 đồng(3 triệu đồng/m2).
Với công nghệ như vậy, Bộ trưởng khẳng định lúc đó “bã mía quý hơn nước mía” và khuyên các doanh nghiệp nên sang Nhật Bản học công nghệ và nhập giống gốc về và ngành mía đường phải có Viện chuyên sâu về cái này.
“Chứ còn đốt ra điện thì tôi cho cũng chỉ là tận dụng trong giai đoạn quá độ, lãng phí, ô nhiễm”. Theo Bộ trưởng Cường, việc dùng bã mía làm giá thể nấm là tốt, sau bã có thể làm phân. Đặc biệt, nấm sẽ là sản phẩm thức ăn tiềm năng, trong 10 năm nữa chưa sản xuất đủ.
Để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành mía đường, Bộ trưởng cho rằng phải giảm giá thành tối đa ở tất cả các khâu, nâng cao giá trị tối đa cho các nhóm sản phẩm.
Về phía Bộ, trong thời gian tới, ngành sẽ đồng hành cùng Hiệp hội, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất giống 3 cấp để đáp ứng đủ giống cho nông dân trồng, qua đó nâng cao năng suất trồng mía của Việt Nam lên 90-100 tấn/ha, thay vì 50-60 tấn/ha như hiện nay.
Bộ trưởng cũng đồng ý với đề xuất thành lập Trung tâm kiểm soát chữ đường - một cơ quan trung gian để xác định chữ đường, lấy lại niềm tin cho người trồng mía để xác định giá trị mía chính xác, thay vì mua xô, bán xô như hiện nay.