Tình hình kinh doanh được dự báo tiếp tục khởi sắc , nhân viên ngân hàng kỳ vọng được nhận thưởng cao
Nhiều ngân hàng lãi trên nghìn tỷ
Cách đây 1-2 năm, khi hoạt động của ngành ngân hàng còn nhiều khó khăn, nợ xấu cao, bí đầu ra, một phần không nhỏ lợi nhuận làm ra phải dành cho dự phòng rủi ro.
Tuy nhiên, kết thúc 3 quý đầu năm nay, nhất là sau khi có Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, dự phòng rủi ro ở nhiều ngân hàng đã giảm, cộng thêm tín dụng tăng trưởng cao, đã tác động tích cực lên lợi nhuận.
Theo đó, không ít ngân hàng đã vượt mốc nghìn tỷ lợi nhuận (trước thuế) như Vietcombank và Vietinbank đạt lần lượt 7.943 tỷ đồng và 7.232 tỷ đồng, VPBank đạt 5.635 tỷ đồng, MB và Techcombank là 4.002 tỷ đồng và 4.840 tỷ đồng; ACB đạt 2.004 tỷ đồng; LienVietPostBank và HDBank là 1.433 tỷ đồng và 1.912 tỷ đồng…
So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận đạt được của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2017 đều tăng trưởng mạnh, trên dưới 40%. Trong đó, có ngân hàng đã và gần cán mốc chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho cả năm như HDBank, ACB.
Không chỉ ngân hàng đã và đang kiểm soát tốt nợ xấu, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ở mức cao cũng đạt mức lợi nhuận khả quan.
Đơn cử, Sacombank đã đạt 1.025 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế chỉ sau 9 tháng đầu năm nay, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước. Con số này cũng đã vượt 75% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm 2017 (500 tỷ đồng) mà ĐHCĐ Sacombank thông qua vào cuối tháng 6/2017. Được biết, tỷ lệ nợ xấu tính đến 30/9/2017 của Sacombank là 5,95%, cao nhất trong hệ thống ngân hàng, song đã giảm đáng kể so với mức 6,91% ở thời điểm đầu năm và 6,36% cuối tháng 6/2017.
Theo giới quan sát, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ còn cải thiện trong quý cuối năm, khi đây là mua cao điểm kinh doanh, nhu cầu vốn của khách hàng tăng cao. Hơn nữa, mục tiêu tín dụng của ngành đã được nâng lên 21-22%, từ đó các ngân hàng có thêm dư địa mở rộng cho vay, giúp hoạt động tín dụng tăng tốc.
Cùng với đó, dự phòng rủi ro cũng được dự báo theo chiều hướng giảm khi quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh theo Nghị quyết 42 và tiếp tục tác động tích cực lên lợi nhuận năm.
Trong khi đó, kết quả từ cuộc điều tra của Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho thấy, về lợi nhuận, 89% ngân hàng thương mại kỳ vọng lợi nhuận trước thuế 2017 tăng trưởng dương so với năm 2016, với mức tăng trưởng toàn hệ thống bình quân kỳ vọng đạt 13,63%. Trong đó, thu nhập ròng từ phí và dịch vụ kỳ vọng tăng 18,53%, còn thu nhập ròng từ hoạt động tự doanh dự kiến tăng 9,76%.
Nhân viên sẽ được thưởng “đậm”?
Nhờ lợi nhuận đạt mức kỳ vọng, Sacombank đã chi thưởng sớm cho nhân viên. Cụ thể, tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2017 được tổ chức vào tháng 7 vừa qua, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank đã thông qua cơ chế thưởng theo kết quả kinh doanh cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc, cũng như thưởng “nóng” 1 tháng lương cơ bản và nâng cao chính sách lương, phúc lợi cho hơn 17.000 cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống Sacombank kể từ tháng 7.
Tại MB, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, nhờ hoạt động kinh doanh khả quan, thu nhập của người lao động MB đã tăng 30% trong 9 tháng đầu năm nay.
Cụ thể, số lao động bình quân 9 tháng qua tại MB là 7.938 người, lương bình quân của nhân viên là 13 triệu đồng/tháng, nhưng thu nhập bình quân cao hơn gần gấp đôi, ở mức trung bình 23 triệu đồng/tháng.
So với cùng kỳ 2016, lương bình quân của người lao động MB đã tăng thêm gần 2,1 triệu đồng/người/tháng, tức tăng khoảng 19%, trong khi thu nhập tăng thêm gần 5,4 triệu đồng/người/tháng, tương đương tăng đến 30%.
Thu nhập của nhân viên VIB cũng liên tục tăng trong thời gian qua. Tính đến cuối tháng 9/2017, VIB có tổng số là 4.500 nhân sự. Tiền lương bình quân chi trả cho mỗi nhân viên là 16,48 triệu đồng/tháng và thu nhập bình quân là 20,85 triệu đồng/tháng, cao hơn cùng kỳ 1,5 triệu đồng/tháng, cải thiện đáng kể so với 1 năm trước đây.
Tương tự, sau 9 tháng 2017, Techcombank công bố chi lương bình quân cho mỗi nhân viên ở mức 19 triệu đồng/tháng, không đổi so với cùng kỳ 2016, nhưng sau khi cộng thêm các khoản phụ cấp và thu nhập khác, mỗi nhân viên Techcombank được nhận 24 triệu đồng/tháng, tăng 1 triệu đồng/tháng so với cùng kỳ.
Đến thời điểm hiện tại, chưa ngân hàng nào hé lộ về chế độ tiền lương, thưởng tết cho người lao động trong dịp tết năm nay, song theo nhận định của giới kinh doanh tài chính, các ngân hàng nhiều khả năng sẽ chi thưởng tết cao hơn năm qua.
Lý do là lợi nhuận thu về sẽ rất khả quan khi tín dụng cải thiện và nợ xấu dần có đầu ra. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự để chuẩn bị cho kế hoạch phát triển trong năm tới khi điều kiện thị trường tốt hơn.
Tại Vietcombank, năm 2016, không ít cán bộ, nhân viên được nhận cả trăm triệu đồng thưởng tết khi Ngân hàng vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đề ra, đạt 8.200 tỷ đồng. Với dự báo sẽ tiếp tục vượt chỉ tiêu 9.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2017 (9 tháng đầu năm đã hoàn thành 86% kế hoạch), thậm chí có thể cán mốc 10.000 tỷ đồng - mức lợi nhuận kỷ lục từ trước tới nay, nên việc chi lương, thưởng tết năm nay của Vietcombank được kỳ vọng sẽ cao hơn năm qua.
Mặc dù nhiều ngân hàng được dự báo sẽ ghi nhận kết quả lợi nhuận cao, tạo kỳ vọng về một năm “tết vui” cho người lao động, song dễ thấy, niềm vui chỉ xuất hiện ở những ngân hàng lớn, trong khi tại nhóm ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, đa phần vẫn đang khá khó khăn, nên thu nhập, lương thưởng của người lao động được dự báo là không cao.
Đơn cử, Saigonbank cho biết, mức thu nhập trung bình của cán bộ, nhân viên Ngân hàng năm nay vào khoảng 9 triệu đồng/tháng, tương đương so với năm ngoái. Tại Kienlongbank, con số có nhỉnh hơn, đạt 12,77 triệu đồng/tháng, tăng 2,2 triệu đồng so với năm trước.
Trong khi đó, tại những ngân hàng 0 đồng, thu nhập của người lao động còn bị sụt giảm. Chẳng hạn, PGBank trả lương bình quân cho mỗi nhân sự 11 triệu đồng/tháng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Theo lời những cán bộ, nhân viên của những nhà băng này, họ không kỳ vọng cuối năm có lương tháng 13, nên không dám mơ thưởng Tết.