Tại văn bản mới đây gửi Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đề nghị NH Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất cho vay, đưa tăng trưởng tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20% vào cuối năm 2017. Mục đích là để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm ở mức 6,7% như Quốc hội giao.
Cạn "room" tín dụng
Theo tính toán, GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 5,73%. Để đạt mục tiêu đề ra, 6 tháng cuối năm mức tăng trưởng phải đạt ít nhất 7,2%. Do đó, cần nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vì đó là một trong những kênh quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng.
Theo các chuyên gia kinh tế, để bảo đảm mức tăng trưởng tín dụng trên 20%, nhiệm vụ của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ thêm áp lực vì bên cạnh chỉ tiêu tăng trưởng vẫn phải bảo đảm kiềm chế lạm phát ở mức dưới 5%. Về tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 6,82%, thanh khoản VNĐ của hệ thống NH được bảo đảm, huy động vốn tăng 7,43% so với cuối năm 2016. Tín dụng tăng 9,06% so với cuối năm trước, đáp ứng tốt cho nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Như vậy tín dụng 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngân hàng Nhà nước sẽ nới “room” cho một số ngân hàng thương mại để có điều kiện tăng trưởng cho vay Ảnh: Tấn Thạnh
Song hiện nay, một số NH đã có dấu hiệu cạn "room" tín dụng. Ví dụ NH Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm là 16% nhưng 6 tháng đầu năm đã đạt mức tăng 12%; NH Quốc tế (VIB) cũng tăng trưởng tín dụng trên 15% trong 6 tháng trong khi kế hoạch được giao cho cả năm là 16%. Vấn đề đang được đặt ra là khả năng NH Nhà nước sẽ nới "room" cho một số NH thương mại để có điều kiện tăng trưởng cho vay. Tuy nhiên, nới "room" tín dụng cũng phải đi đôi với các giải pháp tăng sự hấp thu vốn cho nền kinh tế thì mới bảo đảm chất lượng tăng trưởng tín dụng.
Đưa tín dụng "chảy" vào sản xuất
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (Marketintello), bình luận hiện nay, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm. Thị trường tiền tệ trong tháng 7 chứng kiến sự suy giảm ở tất cả các kênh lãi suất. Sự suy giảm của lãi suất liên NH chủ yếu do hệ thống NH đang dư thừa thanh khoản khiến các NH không chịu nhiều áp lực tăng cường huy động để hỗ trợ tín dụng. Bên cạnh đó, cũng trong tháng 7, NH Nhà nước đã công bố quyết định hạ lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Động thái này thực chất chỉ là việc xác nhận xu hướng của thị trường chứ không tạo ra thêm áp lực giảm lãi suất của các NH.
Với diễn biến tỉ giá ổn định, lạm phát còn khá xa so với mức mục tiêu 4% trong năm nay đã giúp cho lãi suất thực vẫn khá hấp dẫn, khiến việc huy động nguồn vốn từ người dân vẫn còn nhiều dư địa để tạo động lực tăng trưởng cuối năm.
Về vấn đề hạ lãi suất, tại văn bản báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và kết quả kiểm tra tháng 7-2017 của NH Nhà nước, Tổ Công tác của Thủ tướng nhấn mạnh khi thị trường cho phép, NH Nhà nước cần xem xét tiếp tục các giải pháp để hạ lãi suất; chỉ đạo quyết liệt các tổ chức tín dụng có biện pháp hiệu quả đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình tín dụng trọng điểm, hiệu quả, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN khởi nghiệp, DN đầu tư cơ sở hạ tầng tiếp cận vốn vay thuận lợi. Nhưng phải bảo đảm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực không khuyến khích, có nhiều rủi ro theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.