Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) vừa chính thức đóng điện, đưa dòng điện từ đất liền, vượt biển theo đường dây 110 KV từ An Biên ra đảo Lại Sơn thuộc tỉnh Kiên Giang. Từ thời khắc này, hơn 2.100 hộ dân sống trên đảo Lại Sơn được sáng đèn, không còn cảnh vất vả như trước.
Gian nan vượt biển
Đây là đường dây 110 KV vượt biển có quy mô lớn nhất Việt Nam, lần đầu tiên thực hiện tại tỉnh Kiên Giang, với chiều dài toàn tuyến từ xã An Biên đi xã đảo Lại Sơn là 43,9 km. Trong đó, đoạn trên đất liền từ An Biên đi Xẻo Nhàu dài 19,4 km, đoạn trên biển từ Xẻo Nhàu đi Lại Sơn dài 24,5 km. Tổng mức đầu tư của dự án là 484, 5 tỉ đồng từ nguồn vốn của EVN SPC. Đây cũng là dự án nằm trong chuỗi dự án cấp điện lưới quốc gia cho 7 xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang, nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế biển đảo và ven biển.
Công nhân Điện lực Kiên Giang thi công lắp đặt đường dây trên đảo Lại Sơn
Sau hơn 14 tháng thi công, dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang đã chính thức đóng điện vào chiều 26-11 trong niềm hân hoan của người dân đảo Lại Sơn lần đầu tiên được sử dụng điện lưới quốc gia. Trong niềm hân hoan đó, ít ai biết những công nhân, kỹ sư đã ngày đêm lao động trên biển trong những ngày thời tiết khắc nghiệt để thi công đường dây vượt biển dài nhất Việt Nam. Ông Trương Tấn Lực, Giám đốc Công ty Điện lực Kiên Giang, chia sẻ: “Theo tính toán của chúng tôi, trong điều kiện bình thường, việc thi công xây dựng đường dây vượt biển dài 24,5 km sẽ hoàn thành vào dịp 30-4-2016. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi, diễn biến thất thường nên sau 14 tháng, công trình mới hoàn thành”. Ông Lực cho biết thêm đoạn vượt biển dài 24,5 km từ Xẻo Nhàu đi Lại Sơn phải trồng 50 trụ điện, trong đó có 2 trụ trên đất liền ở 2 đầu và 48 trụ trên biển. Việc thi công các móng trụ hết sức phức tạp, phần móng trụ có độ dài 30 m chôn sâu dưới đáy biển 20 m và phần chìm trong nước 10 m. Phần móng trụ 30 m phải dùng kỹ thuật kết nối 2 trụ 15 m với nhau, phía trên móng trụ là một sàn bê tông 100 m2. Trụ điện cao 70 m được lắp đặt trên sàn bê tông. “Trong quá trình thi công trên biển, phải vận chuyển hàng trăm tấn vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép, nước ngọt ra công trình bằng sà lan. Những lúc gặp gió to, sóng lớn, chúng tôi phải di chuyển vào bờ để tránh. Trong thời gian thi công, đội ngũ kỹ sư, công nhân và các phương tiện phải chờ đợi khoảng 5 tháng. Đơn vị thi công phần móng là Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô, thuộc Bộ Quốc phòng đã từng thi công các công trình trên đảo Trường Sa, cũng phải “sợ” công trình này. Lúc đầu, đơn vị này đưa sà lan trọng tải 800 tấn chở vật liệu xây dựng nhưng khi chưa tới công trình đã bị gió bão đánh chìm cả chiếc sà lan. Thời tiết năm nay khá bất thường, những người đi biển lâu năm cũng “bó tay” không thể đoán nổi. Trong dịp giáp Tết Nguyên đán 2015, ĐBSCL gặp hạn, nước cạn, khi đưa sà lan chở vật liệu ra biển, nếu dùng sà lan lớn thì bị mắc cạn, sà lan nhỏ thì bị sóng đánh chìm… Do đó, khi gặp được thời tiết thuận lợi, chúng tôi phải tranh thủ tăng cường làm ngày làm đêm để kịp hoàn thành công trình” - ông Lực kể lại hành trình thi công vất vả.
Công nhân Điện lực Kiên Giang đóng điện, đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo Lại Sơn
Kỳ vọng xã đảo thay da đổi thịt
Đảo Lại Sơn còn gọi là Hòn Sơn Rái, rộng 11,7 km2, có 4 làng chài: bãi Thiên Tuế, Bãi Nhà, Bãi Bắc và Bãi Giếng. Giữa đảo có đỉnh Ma Thiên Lãnh cao 450 m so với mực nước biển với những tảng đá to, từ đây có thể nhìn bao quát xung quanh đảo. Hiện trên đảo có 2.100 hộ dân với hơn 8.000 nhân khẩu, người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng hải sản, làm nước mắm.
Niềm vui của gia đình ông Bùi Quốc Ca, ở ấp Bãi Bắc, xã Lại Sơn khi có điện lưới quốc gia
Trước đây, khi đảo chưa có điện lưới quốc gia, người dân trên đảo chỉ đánh cá và làm dịch vụ du lịch nhỏ lẻ, cả đảo chỉ hơn chục nhà trọ, đơn sơ… Hầu hết các em học lên đại học đều vào đất liền kiếm việc làm vì ở đảo chưa có cơ sở sản xuất nào có quy mô.
Với kỳ tích nối đường dây 110 KV vượt biển vào lưới điện quốc gia, xã đảo Lại Sơn kỳ vọng sẽ thay da đổi thịt, có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống người dân. Cô Nguyễn Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lại Sơn, người gắn bó với đảo gần 30 năm - bộc bạch: “Khi nghe tin đảo sẽ có điện lưới quốc gia, chúng tôi mừng lắm. Khi có điện, chúng tôi được thắp sáng suốt đêm để soạn giáo án, các em có đủ ánh sáng để học bài, xem tivi, thầy cô có thể truy cập internet để cập nhật thông tin… Dòng điện lưới ổn định, máy móc của các thầy cô cũng đỡ bị hư hao. Trước đây, do nguồn điện chạy bằng diesel, điện luôn phập phù, máy móc hư hỏng suốt, chúng tôi phải gửi vào đất liền để sửa chữa… rất khó khăn và tốn kém”.
Ông Lê Văn Đâu - 65 tuổi, sống trong ngôi nhà cổ nhất trên đảo này - khi nghe tin EVN SPC đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo, ông và bà con trên đảo mừng khôn xiết. Ông nhớ lại từ khi hòn đảo hoang sơ với bạt ngàn rừng dừa, rau muống biển phủ kín quanh bờ, hàng đàn cá cơm dạt vào bờ hàng chục tấn, người dân chỉ cần lấy mùng ra vớt cũng không hết... Buổi chiều, từ 17 giờ trở đi, đảo tối như mực, không ai dám ra khỏi nhà. Xa xa, mỗi ngôi nhà chỉ le lói ánh đèn dầu, nhà sang lắm thì thắp đèn măng-sông… Thế mà giờ đây, quanh đảo đã được sáng đèn. Ông nói sắp tới đây, khi có điện lưới quốc gia ổn định, ông và bà con sẽ sắm những vật dụng bằng điện như tivi, tủ lạnh, quạt máy, nồi cơm điện… để dùng cho “sướng” cuộc đời, có cơ hội tận hưởng những tiện nghị hiện đại mà bà con trên đảo bao đời nay còn thiếu thốn.
Không có niềm vui nào hơn!
Nhà bà Tiêu Quý Yến Vân ở tổ 5, ấp Bãi Bắc, xã Lại Sơn là căn nhà đầu tiên được sáng đèn từ điện lưới quốc gia vào ngày 26-11. “Hôm nay là một ngày rất đặc biệt và thật sự may mắn đến với gia đình chúng tôi. Gia đình vừa cúng tân gia vừa có điện đưa vào nhà là niềm vui nhân đôi. Không có niềm vui nào hơn niềm vui này, không biết dùng từ nào để tả sự vui sướng tột cùng của gia đình chúng tôi. Chúng tôi dự định sẽ mở rộng kinh doanh nhà nghỉ trên đảo, mua thêm nhiều thiết bị điện phục vụ cho gia đình và khách du lịch. Hy vọng rằng khi có điện, người dân trên đảo có điều kiện phát triển ngành du lịch và nhiều ngành nghề khác, tạo điều kiện cho bà con trên đảo chuyển đổi ngành nghề khi mà nguồn hải sản trên đảo ngày càng suy giảm, ngành sản xuất chính là làm nước mắm có nguy cơ bị mai một” - bà Vân bày tỏ.