Thông qua Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế của Úc (ACIAR), các nhà nghiên cứu tại đảo Tasmania - Úc hy vọng có thể giúp nông dân Việt Nam phát triển cách thức nuôi trồng để qua đó cải thiện đáng kể chất lượng sống.
Thay đổi tư duy… nuôi bò
TS Lydia Turner, làm việc tại Viện Nông nghiệp Tasmania, vừa đến Việt Nam giữa tháng này để kiểm tra tiến độ các dự án. Qua quan sát, TS Lydia Turner nhận ra cách nuôi bò ở Việt Nam rất khác ở Úc. “Đối với nông dân Việt Nam, bò giống như một khoản tiền gửi trong ngân hàng. Khi nhà có việc, như con gái lấy chồng chẳng hạn, họ sẽ bán bò để lấy tiền làm đám cưới” - TS Turner nhận xét với đài ABC (Úc).
Chính vì vậy, theo cô Turner, nông dân Việt Nam cho bò ăn không phải để vỗ béo đem bán. Cô nói tiếp: “Thay vì cho bò ăn cỏ tươi, họ chỉ cho chúng gặm mấy mớ cỏ khô bên vệ đường. Sau đó, họ dẫn bò đi bộ về nhà hàng giờ. Bao nhiêu năng lượng bò nạp được từ nhúm cỏ ít ỏi dồn hết vào quãng đường về nhà thay vì nâng chất lượng thịt”.
Tuy nhiên, cách nuôi bò đang thay đổi nhanh chóng, phần nhiều do nhu cầu thịt đỏ ngày càng tăng ở Việt Nam, theo nữ tiến sĩ. Bò trở thành một trong những nguồn thu nhập lớn nhất trong gia đình nông dân. “Họ học hỏi lẫn nhau để thay đổi cách nuôi, cũng nhờ đó mà con cái họ không phải rong ruổi chăn bò 5 km/ngày rồi lỡ buổi học” - cô Turner kể lại câu chuyện của những hộ nông dân đã hợp tác với dự án.
Theo ABC, kể từ năm 2004, ACIAR đã khởi động nhiều dự án về nuôi bò ở miền Trung Việt Nam, trong đó chia sẻ thông tin giữa các nhà nghiên cứu nông nghiệp và nông dân Việt Nam. Theo ACIAR, Úc là một trong những nước sở hữu các phương thức nuôi trồng tân tiến nhất thế giới, một phần do điều kiện khí hậu khắc nghiệt buộc nước này phải dốc sức nghiên cứu và phát triển.
Chủ động “bơi” ra thị trường
Tháng 3-2016, ACIAR đưa một nhóm nhà nghiên cứu và quan chức chính phủ các nước Myanmar, Việt Nam và Pakistan đến tham quan Tasmania. Trong chuyến thăm, TS Aamer Irshad - người đứng đầu Ủy ban Kế hoạch thực phẩm và nông nghiệp Pakistan - cho biết khi về nước, ông sẽ phổ biến lại loại phí nghiên cứu và phát triển đang được áp dụng ở Tasmania. “Nông dân đóng phí cho các tổ chức nghiên cứu, tiếp đó chính phủ cũng hỗ trợ tài chính. Khoản tiền này sẽ được dùng để tìm ra giải pháp cho các vấn đề của nông nghiệp” - ông Irshad giải thích.
Qua chia sẻ của TS Irshad, có thể nhận ra sự tương đồng giữa nông dân Pakistan và nông dân Việt Nam, đó là phần lớn trong số họ không chủ động tiếp cận thị trường. “Nông dân ở Tasmania nắm bắt nhiều thông tin. Họ không chỉ là nông dân mà còn giống doanh nhân” - TS Irshad kết luận.
Gắn kết nông dân với thị trường tiêu thụ luôn là mục tiêu của các nhà làm chính sách nông nghiệp. Một dự án do ACIAR tài trợ đã và đang giúp nông dân tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La tăng thu nhập nhờ cung cấp rau an toàn (có chứng nhận) cho các cửa hàng và siêu thị ở Hà Nội như FiviMart, Metro và Biggreen... Thông qua dự án, mối quan hệ mua bán trực tiếp và thông tin 2 chiều đã được thiết lập giữa nông dân và bên tiêu thụ. Đây là cách làm hoàn toàn mới đối với bà con nông dân tại 3 bản Tự Nhiên (xã Đông Sang), Ta Niết (xã Chiềng Hắc) và An Thái (xã Mường Sang).
Theo thống kê của ACIAR, 68 nông dân tham gia dự án tại 3 bản nói trên sản xuất được 800 tấn rau an toàn trên 22 ha đất vào năm 2015. Thu nhập ròng bình quân của các nông dân tham gia ở bản Tự Nhiên trong năm 2015 là 300 triệu đồng/ha, tăng 150% so với các hộ không tham gia (120 triệu đồng/ha). Những người trồng rau sạch theo dự án khoe họ không còn phải vay mượn để trồng vụ tiếp theo. Nhiều người có tiền sửa sang nhà cửa, cho con đi học và thậm chí còn mua xe tải để chở thẳng rau xuống Hà Nội.