Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong 4 tháng đầu năm, tín dụng tăng khoảng 5,2%, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm ngoái là 4,2%. Trong đó một số ngân hàng (NH) thương mại chỉ trong quý I/2017 đã có mức tăng tín dụng cao hơn nhiều so với mặt bằng chung.
Kiểm soát vốn vào bất động sản
Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy một số NH thương mại đã đẩy mạnh tín dụng cao ngay trong quý I như LienVietPostBank tăng 11%, Kiên Long 10,3%, SCB 9%, ACB và Vietcombank cùng có mức tăng 8,3%. Trong khi đó, huy động vốn trong 4 tháng đầu năm có xu hướng tăng chậm hơn so với cùng kỳ, ở mức 3,7%.
Nhu cầu tín dụng tăng cao ngay từ đầu năm và ở mức cao nhất trong 5 năm qua đã khiến thanh khoản của hệ thống NH có dấu hiệu khó khăn cục bộ. Lãi suất liên NH vẫn ở mức khá cao và một số NH tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn để cơ cấu lại nguồn vốn theo quy định về tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Đáng lưu ý, đang có xu hướng chuyển dịch tín dụng theo hướng tăng tỉ trọng tín dụng ngắn hạn, giảm tỉ trọng tín dụng trung và dài hạn nhằm đáp ứng quy định của NH Nhà nước.
Tín dụng tăng mạnh khiến thị trường lo ngại dòng vốn đổ vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản (BĐS), NH Nhà nước cũng nhiều lần cảnh báo điều này. Chẳng hạn, tại TP HCM, chỉ trong 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đã ở mức 6,25%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho vay BĐS có tăng nhưng vẫn nằm trong kiểm soát và không quá lo ngại. Cụ thể, tính đến hết quý I, dư nợ tín dụng BĐS chiếm khoảng 10,88% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn (tương đương 168.000 tỉ đồng), tỉ trọng này thấp hơn so với giai đoạn 2013-2015 và thấp hơn nhiều những năm trước. Bởi trong giai đoạn 2007-2008, dư nợ cho vay BĐS từng chiếm tới 31% tổng dư nợ.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là một trong những lĩnh vực được ưu tiên Ảnh: Vũ Phương
Cần độ trễ để tín dụng lan tỏa
Tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn tại TP HCM cũng cho biết tín dụng tăng mạnh do nhu cầu thị trường và doanh nghiệp cao nhưng các NH vẫn rất cẩn trọng với BĐS. Thực tế, thời gian qua, một số khu vực tại TP có sốt đất nhưng khi NH thẩm định giá đất để cho vay vẫn dựa trên mức giá cũ. "Với những khu vực đất sốt, phải sau khoảng 6 tháng khi thị trường thiết lập mặt bằng giá mới, NH mới thẩm định theo giá mới để cho vay nên không quá lo ngại. Đồng thời, không phải khu vực sốt đất nào NH cũng sẵn sàng cho vay" - vị này nói.
Một số ý kiến cho rằng tín dụng tăng cao nhất trong 5 năm qua nhưng tăng trưởng GDP trong quý I lại ở mức khá thấp so với mục tiêu đặt ra. Theo một số NH thương mại, tín dụng tăng mạnh những tháng đầu năm sau khi bị "nén" vào năm trước khá chặt. Và nay, tín dụng tăng mạnh nhưng cần độ trễ để lan tỏa vào nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế - TS Bùi Quang Tín phân tích: Theo số liệu công bố của NH Nhà nước, khoảng 80% vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhưng theo lý thuyết cần độ trễ để dòng vốn này phát huy hiệu quả. Do đó, có thể trong quý II, III, tăng trưởng GDP sẽ khả quan hơn. Chưa kể, lượng vốn của hệ thống NH thời gian qua chảy vào trái phiếu Chính phủ cũng khá nhiều khi các NH thương mại là đối tượng chủ yếu mua trái phiếu, do đó có thể vốn tín dụng chưa lan tỏa nhiều vào GDP.
"Riêng vốn đổ vào BĐS là có nhưng không quá lo ngại vì NH thương mại biết rõ đây là kênh có nhiều rủi ro khi thị trường đang có dấu hiệu lệch pha cung cầu. Do đó, dù lãi suất cho vay BĐS có hấp dẫn hơn nhưng không phải NH nào cũng mặn mà, nhất là với quy định kiểm soát vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn hiện nay của NH Nhà nước" - TS Bùi Quang Tín phân tích.
Dồn vốn cho lĩnh vực ưu tiên
Trong nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4-2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NH Nhà nước thực hiện các biện pháp ổn định mặt bằng lãi suất phù hợp với diễn biến vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng; đẩy mạnh cho vay theo chương trình tín dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.