Theo kết quả của một cuộc khảo sát về thái độ thanh toán của người tiêu dùng vừa được thực hiện mới đây, có 62% người tham gia khảo sát trả lời họ thích thanh toán điện tử hơn cách thức truyền thống thông thường. Mức độ tin dùng thanh toán điện tử tại Việt Nam đã tăng 8% so với năm 2015.
Khảo sát cũng cho thấy người Việt Nam có xu hướng mang ít tiền mặt trong ví hơn. 29% người trả lời cho biết họ mang tiền mặt trong người ít hơn 5 năm về trước. Khi được hỏi nguyên nhân, đa số câu trả lời là do họ sử dụng thẻ nhiều hơn (59%) và lo lắng về vấn đề an toàn khi mang tiền mặt (56%).
Các kết quả nghiên cứu này được đưa ra sau khi Chính phủ Việt Nam phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020. Theo đó, mục tiêu đến cuối năm 2020, tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy nhiều tín hiệu tích cực đối với việc xây dựng nền kinh tế phi tiền mặt. 83% người tham gia khảo sát trả lời họ mua sắm online ít nhất một lần mỗi tháng (tăng 11% so với năm 2015). Người tiêu dùng cho biết hành vi mua sắm của họ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc đọc nhận xét, bình luận trên mạng xã hội (73%), và kế đó là các chương trình khuyến mãi (53%).
Sự phủ sóng rộng rãi của smartphone tại Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử và thương mại di động. Khoảng 70% người tiêu dùng mua hàng một lần mỗi tháng bằng smartphone, chiếm 73% thế hệ Y (độ tuổi từ 18-36) và 63% thế hệ X (độ tuổi từ 36-51). 72% người tham gia khảo sát đồng ý sử dụng công nghệ sinh trắc học như dấu vân tay và nhận diện khuôn mặt để xác thực thanh toán.