Chính mảnh đất dung dị với những con người mộc mạc chân chất nơi đây đã hun đúc trong bà dòng chảy Buôn Mê nồng đượm, thúc giục bà bền bỉ bảo tồn và phát huy di sản cà phê của người Buôn Mê.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với nữ doanh nhân Nguyễn Thị Ngọc Anh tại thủ phủ cà phê Buôn Mê Thuột vào một ngày giữa tháng 10, khi những hạt cà phê đã bắt đầu trổ mã, căng tròn và chín đỏ...
Phóng viên: Thưa bà, bà và gia đình gắn bó với vùng đất cũng như cây cà phê Buôn Mê Thuột từ lúc nào?
- Doanh nhân Nguyễn Thị Ngọc Anh: Tôi thực ra là người gốc Bình Định, theo ông bà, cha mẹ đến Buôn Mê Thuột từ năm 10 tuổi. Đến năm 12 tuổi (năm 1968), tôi bắt đầu làm thuê cho các đồn điền cà phê của người Pháp. Thấy tôi mê cà phê, một người thầy từng dạy tiểu học, lúc ấy đang là kỹ sư của Trung tâm Thực nghiệm cà phê Eakamăt giới thiệu vào làm công nhân để tôi có cơ hội hiểu thêm về kỹ thuật trồng, chế biến cà phê. Lúc đó, dù chỉ 15 tuổi nhưng trông tôi lớn lắm, nên tôi đánh bạo mượn thẻ căn cước (chứng minh thư) của một người lớn tuổi để được vào. Sau ngày giải phóng, nhà tôi bắt đầu có rẫy cà phê riêng, rồi tôi cũng đứng ra vận động nông dân trồng cà phê. Từ năm 1992, tôi bắt đầu kinh doanh cà phê cho đến bây giờ.
Điều gì khiến một phụ nữ khác xứ như bà lại mạnh mẽ, quyết liệt với “nghiệp” cà phê như thế?
- Người Pháp trước đây khi vào quy hoạch Tây Nguyên cũng đã xác định, chỉ có khoảng 200.000 ha đất nằm trong bán kính địa lý Buôn Mê Thuột là thích hợp nhất cho cây cà phê Robusta phát triển với vị đậm nồng đặc trưng được cả thế giới công nhận. Vậy thì tại sao, sống ở mảnh đất này, tôi không hết lòng vì cà phê Buôn Mê, không lưu giữ nó, bảo tồn nó, phát triển nó như bất cứ người Buôn Mê Thuột chính gốc nào?
Có những thăng trầm, biến động nào trong suốt thời gian bà và gia đình bền bỉ phát triển thương hiệu cà phê Buôn Mê?
- Thăng trầm, biến động của ngành cà phê thì nhiều vô kể, không phải từ lúc tôi bước ra làm kinh doanh mà từ lúc cây cà phê bén rễ ở mảnh đất này. Thời gian làm công nhân đồn điền, tôi đã chứng kiến có thời điểm cà phê cao giá, người chủ phải huy động công nhân nhặt hạt cà phê rơi vãi, thậm chí hạt mọc mầm ở ngoài vườn để có đủ cà phê cung ứng. Ngược lại, có những năm cà phê rất rẻ, người ta phải bỏ đi, không muốn hái. Nhưng rồi những thăng trầm đó cũng không ngăn tôi theo ngành cà phê. Tôi còn nhớ thời điểm năm 1986, tôi là một trong những người đi đầu trong phong trào trồng và khôi phục cà phê ở Buôn Mê Thuột. Sau đó lại thấy cà phê đến kỳ thu hoạch rồi nhưng thị trường quá hạn chế, tôi lại nảy ra ý định kinh doanh cà phê để giúp nông dân có kênh tiêu thụ. Dù có những lúc thị trường bấp bênh nhưng tôi nghĩ, đã chấp nhận kinh doanh phải chấp nhận rủi ro, huống hồ sản phẩm tôi kinh doanh có ý nghĩa đặc biệt với người Buôn Mê.
Vậy cà phê đóng vai trò thế nào trong đời sống người dân Buôn Mê Thuột, thưa bà?
- Người Buôn Mê sống nhờ cà phê, gắn bó với cà phê từ nhỏ đến lớn. Như gia đình tôi, từ đời ông, đời cha, đời tôi, đến đời con cháu đều “dính” với cây cà phê. Người ta có thể phá bỏ hẳn một loại cây trồng không mang giá trị kinh tế ở vùng đất này nhưng với cây cà phê, họ vẫn quyết giữ từng gốc cà phê như giữ chính gốc gác Buôn Mê của mình.
Cà phê Buôn Mê Thuột có vị đậm, nồng, hương thơm quyến rũ, không chát mà dịu. Người dân ở đây vẫn có thói quen mỗi sáng uống một ly cà phê để thấy tinh thần sảng khoái, minh mẫn. Do đó, nó là di sản, là văn hóa rồi.
Được biết, bà là nhà cung cấp, đồng thời là người chứng kiến lịch sử của Vinacafé, bà có thể cho biết thêm về việc bén duyên giữa Vinacafé và mảnh đất Buôn Mê Thuột?
- Tâm huyết của tôi là giữ được cái gốc cà phê Buôn Mê đúng chất của nó. Tôi đưa ra hẳn tiêu chuẩn cho người nông dân: phải hái quả chín mọng, phải phơi ngay, không được để mốc meo, không được để đen, ẩm. Vì đầu vào của tôi rất khó nên nông dân thấy cà phê của họ chất lượng thì họ mới bán cho tôi. Tôi làm vậy cũng là để “chuẩn hóa” chất lượng cà phê Buôn Mê như nó vốn có.
Năm 1995, tôi bắt đầu cung cấp cà phê hạt cho Vinacafé để sản xuất cà phê hòa tan. Tiêu chí mà doanh nghiệp này đặt ra là cà phê chất lượng tốt, cà phê chính gốc Buôn Mê. Thế là, tôi - Buôn Mê và Vinacafé, hai tiêu chuẩn khắt khe không bên nào kém cạnh bên nào - gặp nhau. Tôi mừng là Vinacafé vẫn giữ được cái chất Buôn Mê đến tận bây giờ, họ đã góp phần gìn giữ di sản của cả một cộng đồng.
Việc Vinacafé chọn cà phê Buôn Mê Thuột có giúp cho cà phê xứ sở này vươn xa?
- Nếu Vinacafé chọn cà phê Buôn Mê làm nguyên liệu chính cho mình thì Vinacafé đóng góp rất lớn vào sự phát triển của cà phê Buôn Mê Thuột. Hơn nữa, với tầm ảnh hưởng của mình, Vinacafé sẽ giúp quảng bá cà phê Buôn Mê Thuột đến khắp thế giới. Tôi chắc vậy!
Và tất nhiên, bà cũng có nỗ lực riêng để đưa danh tiếng cà phê Buôn Mê Thuột ngày càng vang xa?
- Ngoài trồng, kinh doanh, cung ứng, xuất khẩu cà phê, tôi cũng kết hợp làm du lịch để quảng bá cà phê Buôn Mê Thuột. Tôi cùng một số người mở ra khu du lịch sinh thái Kotam là cũng để lưu giữ những giá trị văn hóa của Buôn Mê, trong đó có cà phê. Tôi muốn mọi người đến đây để được thưởng thức đúng hương vị cà phê Buôn Mê nguyên bản và mang hương vị đó giới thiệu cho nhiều người. Tôi mừng vì cũng đã tìm được thế hệ kế thừa, là các em tôi, cháu tôi để cùng tôi nỗ lực từng ngày phát triển thương hiệu cà phê Buôn Mê. Sự kế thừa này cũng như vòng quay sinh trưởng vốn dĩ của cây cà phê vùng đất đỏ bazan này: gốc cà phê già cỗi ngã đi, cây non mới lại đâm chồi và ngày càng mạnh mẽ!
Vinacafé Original Buôn Mê Thuột
Chắt lọc dưỡng chất từ miền đất đỏ bazan màu mỡ hơn 9 tháng nắng mưa, những hạt cà phê Buôn Mê Thuột được phơi khô tự nhiên trong nắng mà không sấy công nghiệp. Chính điều đó tạo nên hương vị trứ danh của một trong những ly cà phê ngon nhất Việt Nam.
Vinacafé Original Buôn Mê Thuột 3 in 1 Mới - Tuyển chọn từ 100% hạt cà phê Buôn Mê Thuột, kết hợp bí quyết rang truyền đời của các nghệ nhân Vinacafé, mang đến ly cà phê ngon đúng chất: thơm nồng từng ngụm nhỏ - đắng đậm ngay đầu lưỡi - ngọt thanh nơi cổ họng.