Chuyển động này khiến dư luận quan ngại về một xu hướng có thể diễn ra mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Rút vốn, thu hẹp dịch vụ
Sự kiện gần đây nhất là đầu tháng 7, Ngân hàng (NH) Quốc tế (VIB) thông báo hoàn tất thương vụ mua lại chi nhánh TP HCM của Commonwealth Bank of Australia (CBA). Lý do chuyển nhượng, theo ông Steve Ellis, Giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam của CBA, là để tập trung vào một đầu mối là VIB thay vì rải nguồn lực tại cả 2 nơi là CBA Chi nhánh TP HCM và VIB - nơi CBA vẫn nắm giữ 20% vốn điều lệ. CBA là NH ngoại có mặt tại Việt Nam khá sớm, từ năm 1994.
Trước đó, NH ANZ Việt Nam cũng thông báo đã đạt được thỏa thuận bán lại mảng dịch vụ NH bán lẻ cho NH Shinhan Việt Nam. Mảng dịch vụ NH bán lẻ của ANZ phục vụ khoảng 125.000 khách hàng cá nhân tại Việt Nam, với khoảng 320 triệu AUD dư nợ cho vay và khoảng 800 triệu AUD dư nợ tiền gửi. Ông Farhan Faruqui, Giám đốc điều hành khối kinh doanh quốc tế ANZ, cho biết kế hoạch chuyển nhượng nói trên nhằm thực hiện chiến lược đơn giản hóa NH và tăng hiệu suất vốn, từ đó tập trung nguồn lực vào mảng kinh doanh lớn nhất của ANZ tại châu Á là khối khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính.
Trong khi đó, nhiều khả năng Techcombank sẽ mua lại 19,41% vốn do NH HSBC nắm giữ như đã thông báo tại đại hội cổ đông sau 12 năm hợp tác...
Bình luận về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng việc rút vốn của các NH ngoại là do thay đổi chiến lược kinh doanh, tránh sự trùng lặp trong kinh doanh ở Việt Nam. "Có những NH đã trở thành cổ đông chiến lược tại các NHTM cổ phần ở Việt Nam nên không có lý do gì để họ duy trì thêm một chi nhánh khác ở Việt Nam. Việc tồn tại song song một chi nhánh và là cổ đông chiến lược ở một NH khác sẽ dẫn đến sự chồng chéo và mâu thuẫn lợi ích, đặc biệt trong bối cảnh nhiều NH nước ngoài hiện nay cũng cần phải tái cơ cấu" - TS Cấn Văn Lực phân tích.
Các ngân hàng ngoại rút vốn là do thay đổi chiến lược kinh doanhẢnh: Internet
Về khả năng NH ngoại rút vốn do môi trường kinh doanh xấu đi, chuyên gia kinh tế này đánh giá môi trường kinh doanh NH tại Việt Nam trong thời gian gần đây có nhiều yếu tố tích cực. Đó là cổ phiếu NH tăng mạnh, bình quân tăng trưởng 15%-16%, hành lang pháp lý thông thoáng hơn, hệ số P/E tại Việt Nam ở mức hấp dẫn hơn so với khu vực. Môi trường kinh doanh thậm chí còn tiềm năng nên không phải nguyên nhân để nhà đầu tư ngoại rút vốn.
Bớt hành chính, sát thị trường
Cũng trong nửa đầu tháng 7, NH Nhà nước đã quyết định giảm 0,25% lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên NH và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NH Nhà nước đối với các NH. Đồng thời, cơ quan này cũng quyết định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Các chuyên gia đánh giá sau 3 năm giữ ổn định, NH Nhà nước chọn thời điểm này điều chỉnh lãi suất điều hành là chọn đúng thời điểm. Vì diễn biến thị trường cho thấy một số NH đang nhấp nhổm tăng lãi suất huy động đáp ứng nhu cầu huy động vốn và tính thanh khoản mùa cuối năm. Bên cạnh đó, Chính phủ có chủ trương đẩy tín dụng tăng cao hơn mức 18% như dự kiến, khoảng 18%-20%.
Với động thái giảm lãi suất điều hành của NH Nhà nước, các chuyên gia đánh giá việc giảm lãi suất cho vay từ mức 0,25%-0,5% là hoàn toàn có dư địa. Nhưng mức giảm nhanh hay chậm hoặc có thể giảm thêm vào cuối năm hay không còn tùy thuộc vào tốc độ xử lý nợ xấu của hệ thống NH. Cần phải triển khai nhanh, có hiệu quả Nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội.
Điểm cộng cho NH Nhà nước trong đợt điều chỉnh lãi suất này là không điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Nếu điều chỉnh giảm lãi suất huy động, tiền sẽ "chảy" sang các kênh đầu cơ khác, gây rủi ro cao, khiến NH khó huy động vốn. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng nhanh hơn huy động và 6 tháng cuối năm, áp lực thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn cao.
Theo các chuyên gia kinh tế, điều hành chính sách tiền tệ đã hướng đến thị trường hơn thay vì sử dụng các công cụ hành chính.