Điểm nổi bật trong các báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2017 của các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước công bố đầu năm nay là đều nhấn mạnh đến tác động của việc Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đứng vững nhờ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Trong Báo cáo đầu tiên của năm 2017 vừa được công bố với chủ đề “Điều gì sẽ đến trong năm 2017?”, Ngân hàng ANZ có cái nhìn khá lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam. Tổ chức này dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 sẽ đạt khoảng 6,4%, cao hơn năm trước nhờ sự phục hồi của sản xuất nông nghiệp, trong khi khu vực công nghiệp tiếp tục tăng trưởng.
Việt Nam vẫn là nước dẫn đầu tiến trình công nghiệp hóa cuối cùng trong khu vực bất chấp những rủi ro đang đến nhiều hơn, ảnh hưởng từ những chính sách của các nước trên thế giới đến tiến trình toàn cầu hóa.
Việt Nam đang tăng trưởng dưới tiềm năng của mình
Với các mục tiêu tăng trưởng bền vững hiện tại của Chính phủ vẫn được duy trì, trong tương lai, Việt Nam sẽ kiểm soát tốt tăng trưởng.
Trước chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump và sự rút khỏi TPP của Mỹ, ANZ cũng có cái nhìn khá lạc quan về ảnh hưởng đối với Việt Nam khi cho rằng Việt Nam thực chất chỉ mất đi các cơ hội, chưa có nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế thật. Theo ANZ, TPP thất bại dấy lên lo ngại đối với Việt Nam rằng nguồn vốn vào sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ sẽ mất đi. Nhưng trên thực tế, hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Mỹ chỉ có 22% tổng kim ngạch và Việt Nam đang không ngừng đa dạng hóa thị trường, ngành hàng xuất khẩu. Đồng thời Việt Nam vẫn đang chủ động tham gia các hiệp định thương mại tự do khác như RCEP, EVFTA; hiệp định song phương với các nước.
Khuyến khích kinh tế tư nhân
Thận trọng hơn, nhóm nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường Market Intello cảnh báo xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng bởi các rủi ro quốc tế. Cụ thể là sự kiện Brexit kể từ sau tháng 3-2017 sẽ bắt đầu định hình rõ ràng ảnh hưởng đối với nền kinh tế Eurozone, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Đồng thời định hướng chính sách thương mại không rõ ràng của tổng thống Donald Trump có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại của các nền kinh tế đang phát triển hiện phụ thuộc nhiều vào xu hướng toàn cầu hóa. “Việc nguồn vốn ngoại chững lại trước thông tin TPP có khả năng không được Mỹ thông qua sẽ khiến xuất khẩu khó tăng trưởng mạnh hơn khi khu vực FDI vẫn là động lực chính của xuất khẩu ở Việt Nam”. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ cũng dẫn tới thách thức lớn nhất của Việt Nam năm 2017, theo Market Intello là thu hút vốn FDI. Trong bối cảnh vốn đầu tư toàn cầu đang có xu hướng quay trở lại Mỹ, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong thu hút vốn FDI. Do đó để bảo đảm tốc độ tăng trưởng 6,7% như kế hoạch, cần có các giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. “Những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư sẽ trở nên vô cùng cần thiết trong tình hình khó khăn của Ngân sách Nhà nước, cộng với việc Việt Nam sẽ không còn nhận vốn ưu đãi ODA kể từ tháng 7-2017 và xu hướng suy giảm của dòng vốn ngoại” - TS Đinh Tuấn Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu của Market Intello, nhận định.
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng ANZ đánh giá chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ với hơn 30 tỉ USD đầu tư rút khỏi các thị trường mới nổi cũng không ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam. Nguồn vốn gián tiếp này chỉ ảnh hưởng đến giá của tài sản, cổ phiếu, trái phiếu, nền kinh tế thực không chịu nhiều tác động. “Có thể thấy luồng vốn FDI rút đi nhưng với việc đẩy nhanh cổ phần hóa, luồng vốn gián tiếp nước ngoài sẽ không xấu” - ANZ nhận xét.