Vay tiền tỷ để mua tiền ảo
Trong đơn gửi báo chí, bà Đ. - một nhà đầu tư tiền ảo Onecoin, cho biết nhiều người đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất do tham gia vào đường dây đa cấp mua tiền ảo Onecoin Onelife. Theo bà Đ., số lượng thành viên của Onecoin Onelife Việt Nam hiện nay lên đến hàng chục ngàn người với số tiền tham gia vài ngàn tỷ đồng.
Gặp chúng tôi tại quán cà phê ở địa bàn Q.1 (TP HCM), bà Đinh Lan (người từng đầu tư vào Onecoin nhưng sau đó đã đưa ra những cảnh báo về hệ thống này) cho biết: “Vào tháng 3.2016, tôi đã dùng 40.000 coin (mỗi coin có giá 5 euro) để mua 1 căn nhà 5 tỷ đồng ở TP HCM. Có thể nói tôi là người đầu tiên sử dụng coin mua nhà nhưng tôi đã trả nhà đó cho người bán khi thấy Onecoin có vấn đề. Tập đoàn Onecoin liên tục thay đổi chiến lược như đóng sàn bán coin nội bộ gần 2 năm và nói sẽ mở sàn chứng khoán trước khi mở sàn bán coin. Lên sàn chứng khoán phải hội đủ các điều kiện như phải 10 triệu thành viên, trong khi hệ thống toàn cầu chỉ 3 triệu, nhà đầu tư chờ dài cổ cũng chưa niêm yết được trên thị trường chứng khoán, trong khi sàn giao dịch coin bị đóng”.
Một trong những buổi kêu gọi nhà đầu tư vào Onecoin. Ảnh: Thanh Xuân
Sau khi đóng cửa giao dịch sàn coin, bà Đinh Lan cho hay tập đoàn Onecoin Onelife lập sàn mua bán hàng hóa Dealshaker với phương thức thanh toán vừa bằng coin và bằng tiền mặt. Chẳng hạn như sản phẩm dầu kích thích sự tăng trưởng của râu có giá 12,6 euro (327.000 đồng) hay 1,63 coin; trong khi một người bán hàng xách tay cho hay giá sản phẩm này chỉ khoảng 120.000 đồng. Trên trang Dealshaker còn rao bán xe, bán giường… giá "bèo" mà không biết là hàng chất lượng ra sao và vận chuyển về Việt Nam như thế nào.
Vào tháng 10-2016, Tập đoàn Onelife thực hiện chương trình nhân đôi coin, như gói 431 triệu đồng sẽ được nhận ưu đãi nhân đôi và dự kiến giá cuối năm 2016 lên đến 12,5 tỷ đồng (gấp 29 lần vốn đầu tư). Thấy không ổn, bà Đinh Lan cho biết: “Tôi bán đổ bán tháo 2 tài khoản VIP cho nhà đầu tư bên Mỹ để thu hồi vốn. Tôi mua 2 tài khoản VIP với giá 2,16 tỷ đồng nhưng khi bán lại thu về 1,2 tỷ đồng. Số coin còn lại 110.000 của 16 tài khoản gộp lại, tập đoàn đang định giá 8 euro/coin nhưng tôi bán 1 euro/coin và chỉ bán cho những người cho rằng Onecoin thống trị thế giới. Tôi không bán cho người nghèo vì không muốn thấy họ lao vào đây để nợ nần chồng chất. Đến thời điểm này, tôi đã lỗ 2 tỷ đồng khi tham gia vào Onecoin”.
Ngoài việc nhân đôi số coin vô tội vạ từ 21 tỷ coin lên 120 tỷ coin, điều mà bà Đinh Lan lo là sau khi đóng cửa sàn bán coin nội bộ, tập đoàn lại không mua coin của thành viên. Tập đoàn thông báo mở sàn chứng khoán sau khi mở sàn bán coin sau 18 tháng và yêu cầu nhà đầu tư chuyển qua cổ phiếu OFC. Trong khi quy định niêm yết chứng khoán là có đủ 10 triệu thành viên mà hơn 2 năm qua Onelife chỉ có 2,8 triệu thành viên…
Với hi vọng đổi đời làm giàu, nhiều người đã không ngại cầm cố nhà cửa đổ tiền vào Onecoin trong năm 2016 và bây giờ đang phát hoảng khi sàn giao dịch đồng tiền ảo này đóng cửa quá lâu không lấy lại được tiền như trường hợp của ông Hân đang gặp phải.
Năm 2016, ông Hân đầu tư mua Onecoin trị giá 600 triệu đồng nhưng trong đó 500 triệu đồng là tiền đi vay. Sau khi rút được mấy chục triệu đồng thì sàn Onecoin dừng giao dịch nhưng hằng tháng ông Hân vẫn phải trả tiền gốc và lãi cho ngân hàng và lãi vay bên ngoài thêm 2%/tháng.
Ông Hân cho biết: “Khi hệ thống còn sàn giao dịch bán coin, mỗi ngày tôi bán một ít cũng đủ để trả lãi ngân hàng và lãi bên ngoài. Thế nhưng từ khi sàn giao dịch Onecoin ngưng, tôi phải lấy thu nhập khác của mình trả nợ này. Những người tôi biết tham gia vào Onecoin có đến 80% dùng tiền vay mượn. Họ gặp nhiều khó khăn khi trả nợ và đã có người bán 2 chiếc ôtô”.
Một clip lan truyền trên mạng quay lại cảnh một phụ nữ 43 tuổi đầu tư 850 triệu đồng vào Onecoin - số tiền này đi vay sau khi thua lỗ 6 tỷ đồng vào làm ăn - với hi vọng đổi đời. Sau khi lấy lại được gần 100 triệu đồng từ coin và hoa hồng giới thiệu người khác tham gia, bà đã không còn lấy lại được tiền từ kênh đầu tư này. Người phụ nữ này cho hay sẽ bán căn nhà của mình với giá 930 triệu đồng để trả khoản nợ đã vay đầu tư vào Onecoin.
Pháp luật không bảo vệ việc đầu tư sử dụng tiền ảo
Trong năm 2016, cơ quan chức năng tại TP HCM đã nhận được đơn tố cáo của hàng chục nhà đầu tư vào Onecoin với số tiền 85 tỷ đồng. Và số nạn nhân có thể đang ngày càng gia tăng khi nhà đầu tư không lấy lại được tiền.
Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh cho hay khi tìm hiểu về Onecoin, trang Wikipedia sẽ hiển thị những thông tin như “Onecoin là một kế hoạch Ponzi”. OneCoin vận hành theo lối kinh doanh đa cấp cực kỳ rủi ro, nếu không nói là lừa đảo như mô hình Ponzi thời công nghệ (mô hình Ponzi là trò vay tiền của người này để trả nợ cho người khác, kẻ đi vay thường đưa ra các cam kết trả lợi tức ở mức cao. Mô hình này không kéo dài được khi kẻ chủ mưu đào thoát và người cho vay sau sẽ mất tiền - PV). Cũng theo Wikipedia, bà Ruja Ignatova là người sáng lập và là giám đốc điều hành Onecoin, cư trú tại Sofia, Bulgaria. Nhiều nước đã cảnh báo Onecoin là rủi ro.
Một chuyên gia tài chính khác nhận xét, bản thân những nhà đầu tư chỉ biết đến người giới thiệu mình tham gia mà không biết công ty, người lãnh đạo công ty. Khi cả hệ thống sụp đổ, người giới thiệu cho nhà đầu tư này cũng gặp cảnh mất tiền.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết liên tục từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các cảnh báo người dân sở hữu, mua bán và sử dụng các đồng tiền ảo như Onecoin như một tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro và không được pháp luật bảo vệ. Do vậy Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân không tham gia vào các hoạt động đầu tư các loại tiền ảo.