Với nhiều chính sách từ Chính phủ như Nghị quyết 35, Nghị quyết 19... nhằm giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh là dấu hiệu đáng mừng khi đa số doanh nghiệp (DN) cho biết điều họ lo lắng nhất hiện nay là việc mở rộng, khai thác thị trường cả trong và ngoài nước. Một khi có thị trường, DN sẽ mở rộng được hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, khả năng am hiểu về thị trường của DN còn hạn chế, công nghệ thiết bị chưa được đổi mới nên sản phẩm chưa có tính cạnh tranh cao; trình độ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập. Vì vậy, để phát triển bền vững, DN phải đầu tư đổi mới công nghệ để sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao thì mới có thể cạnh tranh được.
Trong Nghị quyết 35 của Chính phủ có yêu cầu tăng cường phát triển đầu tư công nghệ nhưng mới chỉ đưa ra vấn đề. Quỹ hỗ trợ DN khởi nghiệp, quỹ hỗ trợ công nghệ đã triển khai nhưng chậm và chưa hiệu quả. Các nước “đối thủ” của Việt Nam trong khu vực đã bước vào thời kỳ công nghệ hoàn toàn mới. Trong khi đó, tại Việt Nam, trong một báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố, phần lớn DN trong nước đang sử dụng công nghệ lạc hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% thiết bị là đồ tân trang. Trong báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy tỉ lệ đổi mới công nghệ trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 đặt ra là tăng bình quân mỗi năm 13% nhưng kết quả chỉ tăng 10,68%/năm.
Một chuyên gia cho biết: “Tất cả các ngành, lĩnh vực đều phải đầu tư phát triển trên nền tảng công nghệ hiện đại thì mới có thể tạo ra sức mạnh mới, tăng khả năng cạnh tranh cho DN trong dài hạn. Còn nếu chỉ loanh quanh điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ DN thì không thể giúp họ trưởng thành để vươn mạnh ra nước ngoài”.