Từ đầu năm tới nay, các ngân hàng nhóm cổ phần Nhà nước huy động vốn với lãi suất cao nhất là 6,5 – 6,8%/năm với các kỳ hạn dài, còn nhóm cổ phần lớn, có thanh khoản tốt cũng chỉ huy động ở quanh vùng 7 – 7,5%/năm, nhiều ngân hàng nhỏ huy động vốn cao nhất quanh 8%/năm và cao nhất là ở NCB với mức 8,2%/năm.
Tuy nhiên gần đây, một số ngân hàng lại tung ra sản phẩm tiền gửi mới đó là chứng chỉ tiền gửi với lãi suất rất cao, có nơi lên đến gần 9%/năm (như LienVietPostBank, Sacombank).
Và điều đáng lưu ý, không phải các chứng chỉ tiền gửi đều có kỳ hạn dài như Sacombank từ 5 năm đến 7 năm, mà có ngân hàng như Việt Á chỉ kỳ hạn từ 6 -18 tháng đã hưởng lãi suất 6,9-8,2%/năm.
Một điều quan trọng nữa, thay vì thể hiện bản chất chứng chỉ tiền gửi là các kỳ hạn dài và khoản tiền lớn mà các ngân hàng muốn hướng đến, nay một số nhà băng như LienVietPostBank chỉ yêu cầu người gửi tiền mua chứng chỉ với mệnh giá chỉ từ 1 triệu đồng và bội số của 100 nghìn đồng. Khách hàng muốn mua bao nhiêu cũng được.
Tất cả các chứng chỉ tiền gửi ngân hàng đều ưu ái với lãi suất cố định theo mức tiền gửi trong suốt kỳ hạn, riêng Sacombank do huy động chứng chỉ kỳ hạn dài là 5 năm và 7 năm thì đưa ra mức lãi suất cố định trong năm đầu tiên.
Như vậy rõ ràng là lãi suất huy động đang có chiều hướng lên rất cao. Trước các sản phẩm này, VPBank là ngân hàng công bố huy động lãi suất kỳ hạn 5 năm lên đến 9,2%/năm - phá mọi kỷ lục. Mức 8,2% cho đến trên dưới 9%/năm là cao nhất trong vòng vài năm trở lại đây.
Phải chăng các ngân hàng đang bước vào một cuộc đua huy động vốn mới?
Trao đổi với người viết, LS. TS Bùi Quang Tín dẫn lời của ông Nguyễn Hoàng Minh đến từ NHNN chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh nói rằng nhiều ngân hàng đang gần bị chạm trần trong tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nên chắc chắn họ sẽ tăng cường huy động vốn trung dài hạn để đủ nguồn cho vay tương ứng, đặc biệt là cho vay trong lĩnh vực bất động sản đang rất cần một lượng vốn trung dài hạn cực lớn. Hay nói cách khác, các ngân hàng đang phải cơ cấu lại nguồn vốn cho phù hợp.
Nhưng liệu việc các ngân hàng đưa ra các sản phẩm tiền gửi dạng chứng chỉ với lãi suất cao chót vót như vậy có làm cho toàn thị trường biến động theo hay không, ông Tín cho rằng cần theo dõi thêm song điều đó ít nhiều cho thấy tín hiệu thị trường cũng như áp lực điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là khi cơ quan quản lý đang cùng lúc phải đạt được 3 mục tiêu lạm phát, tỷ giá và lãi suất.
Và ông Tín cũng cho rằng việc lãi suất huy động tăng như vậy sẽ khiến lãi suất cho vay khó có thể đứng yên, đặc biệt là lãi suất trung, dài hạn. Vị chuyên gia dự báo lãi suất sẽ tăng thêm khoảng từ 0,5-1,5%/năm cả cho vay lẫn huy động trong năm nay.
“Các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh nhau về thị phần, phải dựa vào số đông khách hàng để kiếm lời và chấp nhận ăn ít còn hơn không có gì nên lãi suất cho vay sẽ tăng chậm hơn”, ông Tín phân tích thêm.
Đề cập đến việc lãi suất cho vay sẽ tăng với nhóm đối tượng khách hàng nào trước, TS. Tín cho rằng đó là nhóm cá nhân. Còn với các khách hàng doanh nghiệp thì ngân hàng sẽ có nhiều cách để điều chỉnh lãi suất, có thể là gián tiếp, chẳng hạn thông qua các dịch vụ khác hay bán chéo sản phẩm. Ngoài ra khi giao dịch với doanh nghiệp thì ngân hàng thường phải cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ hơn nên nếu thay đổi lãi suất đột ngột quá mà họ bỏ đi thì ngân hàng sẽ mất nhiều hơn là được.
Trở lại với sản phẩm chứng chỉ tiền gửi, một chuyên gia khác phân tích rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, việc các ngân hàng đua nhau phát hành chứng chỉ tiền gửi là nhằm mục đích hút nguồn vốn dài hạn để vừa đảm bảo thanh khoản vừa cơ cấu lại dòng vốn của mình.
Về lý thuyết, người mua chứng chỉ tiền gửi không được thanh toán trước hạn, vì thế ngân hàng sẽ yên tâm hơn khi sử dụng nguồn vốn. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay khi mà cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các ngân hàng đã linh hoạt hơn khi cho phép khách hàng có thể tự do chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi với ngân hàng bất cứ lúc nào.
Và không như các sản phẩm tiền gửi thông thường khác là khách hàng khi cần có thể rút một phần hoặc toàn bộ tiền, nay với chứng chỉ tiền gửi họ nếu không muốn bị chiết khấu khi chuyển nhượng (ngân hàng sẽ thu phí khi chuyển nhượng trước hạn) thì chỉ có cách cầm cố lại chứng chỉ để vay vốn của ngân hàng mà như vậy cũng phải chịu chi phí vì lãi suất đi vay bao giờ cũng phải cao hơn đi gửi.
“Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, mà doanh nghiệp thì phải làm ăn có lãi. Họ đã tính toán rất kỹ khi đưa ra bất kỳ sản phẩm dịch vụ nên dù lãi suất mời chào có cao đến đâu thì họ cũng phải nắm chắc được phần lãi thì mới làm”, vị này nhận định.
Cũng theo ông, do sản phẩm chứng chỉ tiền gửi có những đặc thù như vậy nên người mua cũng phải cân nhắc kỹ trước khi đầu tư. Song ông dự báo, với các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn và lãi suất cao sẽ được khách hàng yêu thích hơn, nhưng tất nhiên điều đó cũng không thể hiện rằng người ta sẽ đổ xô mua chứng chỉ tiền gửi vì hiện nay uy tín của ngân hàng cũng là yếu tố rất quan trọng với người gửi tiền.