“Nhận được lệnh hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân ở huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) chỉ sau 10 phút chuẩn bị, một tổ cơ động lập một ê-kíp gồm 8 người là bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... sẽ lên đường làm nhiệm vụ” - bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Sản - Nhi Quảng Ninh, đã chia sẻ.
Xuyên đêm đưa bác sĩ ra đảo
Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng cho biết nhận nhiệm vụ tham gia đào tạo và hỗ trợ chuyên môn cho Trung tâm Y tế (TTYT) huyện đảo Cô Tô. Từ đầu năm 2016, hằng tuần, BV Sản - Nhi Quảng Ninh đều cử 2 cán bộ gồm 1 bác sĩ và 1 kỹ thuật viên xét nghiệm, luân phiên mỗi đợt 5 ngày (từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần) ra huyện đảo giúp đơn vị nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Theo bác sĩ Hùng, với 32 lượt bác sĩ đi tuyến, BV đã tham gia hỗ trợ các y bác sĩ huyện đảo Cô Tô khám khoảng 1.000 lượt bệnh nhân. Ngoài ra, các bác sĩ cũng xử trí nhiều trường hợp bệnh nhân bị bỏng điện, sốc phản vệ, cơn đau quặn thận, cơn hen phế quản cấp, khám tư vấn điều trị nhiều bệnh lý thường gặp và phức tạp ở trẻ em. Đặc biệt thời gian qua, BV Sản - Nhi Quảng Ninh đã tham gia tiến hành cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nặng, cần hỗ trợ can thiệp kịp thời như băng huyết sau sinh, phẫu thuật cắt khối u có thai ngoài tử cung, cắt viêm ruột thừa cấp cứu...
Chia sẻ về những chuyến đi cấp cứu bệnh nhân xuyên màn đêm, bác sĩ Tạ Thị Thu Hợp, Khoa Xét nghiệm BV Sản - Nhi Quảng Ninh, cho biết có những lần nhận được lệnh ra đảo khi trời đã nhá nhem tối để cấp cứu cho một sản phụ có dấu hiệu suy thai khi chuyển dạ. “Mất gần 1 giờ mới có thể di chuyển ra đến bến tàu để ra đảo bằng xuồng cao tốc và khoảng 45 phút mới tới đảo. Không ít lần cả đoàn 7-8 người trên một chiếc xuồng giữa biển khơi mênh mông trong đêm tối mà tâm trạng ai cũng ngổn ngang. Có những người say sóng nôn thốc nôn tháo nhưng khi đến nơi mọi người đều nhanh chóng bắt nhịp công việc, cấp cứu bệnh nhân” - bác Hợp kể.
Thời gian đầu khi TTYT huyện còn hạn chế về phương tiện kỹ thuật và lượng máu dự trữ nên khi nhận lệnh ra đảo cấp cứu bệnh nhân, ê-kíp còn phải mang theo một thùng gồm 30 đơn vị máu thuộc 4 nhóm máu để sẵn sàng truyền máu cho bệnh nhân. Thậm chí có những sản phụ bị tai biến băng huyết sau sinh, sau khi đã cấp cứu cho người mẹ qua cơn nguy kịch, các y - bác sĩ tiếp tục trở thành người vận chuyển, đưa bệnh nhân lên xuồng cao tốc về đất liền điều trị tiếp. “Ngư dân họ kiêng gái đẻ bước qua thuyền, nên những trường hợp như vậy, các y - bác sĩ phải đích thân lội nước khiêng cáng đưa sản phụ lên xuồng cao tốc. Những lúc như vậy sản phụ sẽ được ưu tiên chỗ tốt nhất trên xuồng, bác sĩ cũng phải nằm gục bên cáng để vượt qua cơn mệt mỏi” - bác sĩ Hợp kể.
Nối liền đất liền - biển đảo
Bác sĩ Hùng cho biết với sự hỗ trợ chuyên môn của BV Sản - Nhi Quảng Ninh đến nay, nhiều kỹ thuật đã được chuyển giao cho TTYT huyện đảo Cô Tô như xét nghiệm sinh hóa, vi sinh; kỹ thuật lâm sàng, đào tạo các kíp xử trí cấp cứu nhi, gây mê hồi sức, sản phụ khoa... Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Phương, Giám đốc TTYT huyện đảo Cô Tô, huyện đảo có 6 bác sĩ trên 6.000 dân - đứng đầu cả nước, tuy nhiên chăm sóc y tế tại đây vẫn gặp nhiều khó khăn. Do thiết bị y tế chưa đồng bộ, thiếu bác sĩ chuyên sâu, tay nghề cao... nên chưa đáp ứng kịp nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao cho người dân. Trung tâm chỉ tiến hành một vài tiểu phẫu còn đa phần là điều trị các bệnh thông thường. Đặc biệt khi thời tiết có mưa bão, biển động không thể vận chuyên bệnh nhân vào đất liền. Bác sĩ Phương cho biết với sự giúp đỡ của BV Sản - Nhi Quảng Ninh thời gian qua nhiều ca bệnh phức tạp đã không còn phải di chuyển đi xa để khám, điều trị bệnh, bớt đi những khoản chi phí không cần thiết.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”. Đến nay, các cơ sở y tế được cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị. Người dân trên các xã đảo, huyện đảo được hưởng thụ chính sách ưu đãi về bảo hiểm y tế. Đặc biệt, sự phối hợp giữa ngành y tế và lực lượng quân y ngày càng trở nên hiệu quả trên các lĩnh vực, nhất là trên biển và các đảo xa bờ, thật sự trở thành chỗ dựa cho ngư dân khi ra khơi, khi biển động.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết kết quả lớn nhất của chương trình kết hợp quân dân y trong 10 năm qua là đã góp phần quan trọng củng cố y tế cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển đảo; tạo nên mạng lưới khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh rộng khắp... Các đơn vị của ngành quân y, các cơ sở khám chữa bệnh quân dân y trên toàn quốc đã khám, chữa bệnh được hơn 40,6 triệu lượt người, cấp cứu 6,2 triệu lượt người và nhận điều trị 20,5 triệu lượt người…