\Bộ Y tế vừa chính thức quản lý việc tiêm chủng vắc-xin cho trẻ bằng hệ thống phần mềm liên thông quốc gia. Theo GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia là đột phá của cả ngành y tế bởi nó chuyển từ việc quản lý tiêm chủng, vắc-xin trên giấy sang quản lý bằng phần mềm tiện lợi và tiết kiệm hơn rất nhiều.
Đi tiêm chủng không cần sổ
Theo GS Long, hơn 30 năm triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, với hàng trăm triệu liều vắc-xin các loại được tiêm miễn phí, Việt Nam đã thanh toán nhiều bệnh; giảm hàng trăm đến hàng ngàn lần tỉ lệ mắc, tử vong do bạch hầu, ho gà, sởi. Tuy nhiên mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,7 triệu trẻ em được ra đời, cùng nhiều trẻ trong độ tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ; tỉ lệ tiêm chủng đạt thấp ở một số địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong vấn đề tiêm chủng, quản lý lịch sử tiêm chủng, thống kê báo cáo, chỉ đạo điều hành với mục đích khắc phục những tồn tại này.
Phần mềm quản lý tiêm chủng quốc gia được sử dụng dễ dàng trên cả máy tính bảng, smartphone, quản lý, lưu trữ một số lượng lớn thông tin tiêm chủng của trẻ em ở độ tuổi tiêm chủng trên tất cả các trạm y tế cấp phường/xã, quận/huyện và tỉnh/thành phố. Hệ thống quản lý tiền sử tất cả các đối tượng tiêm chủng, đặc biệt là các tiện ích cho người dân như đăng ký tiêm chủng, hẹn lịch tiêm, nhắn tin nhắc người dân đi tiêm chủng, tra cứu lịch sử tiêm chủng của người thân khi tham gia tiêm chủng; lịch sử tiêm chủng người dân được theo dõi suốt đời, theo dõi được tình trạng tiêm chủng trẻ em khi nhập học cũng như suốt quá trình học tập của trẻ em trong nhà trường, thông tin được bảo mật cao. Đặc biệt dù đối tượng tiêm chủng thay đổi chỗ ở vẫn được theo dõi trên hệ thống.
Từ năm 2016 đến nay, hệ thống đã triển khai thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố gồm TP Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP HCM với kết quả 100% xã, phường đã nhập thông tin của hơn 700.000 trẻ em trong 2 năm gần nhất, trên 1.400 đơn vị đã tham gia nhập liệu và sử dụng hệ thống. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết triển khai hệ thống này, mỗi năm tại Hà Nội tiết kiệm khoảng 2 tỉ đồng từ công tác in ấn, lưu trữ sổ sách.
Nhiều tiện ích
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết mỗi năm, với khoảng 1,7 triệu trẻ em ra đời, trong khi mỗi trẻ lại tiêm nhiều loại vắc-xin và ở nhiều thời điểm khác nhau, đó là chưa kể người lớn cũng cần tiêm nhiều loại vắc-xin để bảo vệ sức khỏe… Việc tiêm nhiều vắc-xin và nhiều lần như vậy đòi hỏi cán bộ tiêm chủng luôn phải giữ được các quyển sổ theo dõi. Tương tự, đối với người dân, nhất là gia đình có con nhỏ thì cần phải giữ được quyển sổ tiêm chủng suốt đời, nhưng không phải gia đình nào cũng làm tốt việc bảo quản này. Nhiều trẻ sinh ra ở Hà Nội nhưng sống trong TP HCM, rồi đến một vùng miền khác để tiêm chủng nhưng cha mẹ không mang theo quyển sổ tiêm chủng nên các nhân viên y tế rất khó có thể biết trẻ đã từng tiêm vắc-xin nào hoặc tiêm tiếp theo là mũi gì... Do đó, với hệ thống này, ngay sau khi em bé được tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh (hoặc bất kể tiêm loại vắc-xin nào khác), nhân viên y tế sẽ cập nhật thông tin vào hệ thống và cấp cho phụ huynh mã ID của con họ. Thông tin của em bé được bảo mật, đến thời điểm tiêm mũi kế tiếp, hệ thống sẽ nhắn tin tới số điện thoại đã đăng ký “nhắc nhở” cha mẹ đưa trẻ đi tiêm. Ngoài ra, qua hệ thống này, cán bộ y tế tất cả các tuyến cũng luôn nắm được tình hình tiêm chủng trên phạm vi cả nước cũng như từng tỉnh, huyện, xã/phường, hỗ trợ, vận động người dân cho trẻ tiêm chủng, tạo hiệu quả cao nhất cho công tác phòng bệnh.
Ông Phu cho biết thêm ngoài những trẻ mới sinh được cấp ID mới, hiện hệ thống phần mềm có địa chỉ tại website tiemchung.vncdc.gov.vn đang cập nhật thông tin cho các cháu sinh ra trong vòng 2 năm trở lại đây - nhóm trẻ có tiêm mũi DPT (vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván) phải tim nhắc lại lúc trẻ 18 tháng tuổi và vắc-xin sởi, quai bị, rubella tiêm nhắc lại lúc 18 tuổi. “Chúng tôi đang cố gắng đến tháng 6-2017, 5 tỉnh, thành phố thí điểm sẽ bắt đầu triển khai việc nhắn tin, thông báo lịch tiêm chủng đến các bà mẹ. Sau đó một thời gian, việc nhắn tin sẽ tiếp tục triển khai rộng trên toàn quốc. Dự kiến đến ngày 1-6-2018 sẽ không còn sử dụng giấy trong công tác tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc” - ông Phu thông tin.