Để người dân không gặp khó khi điều trị bệnh do chi phí tăng, cần phải có giải pháp hỗ trợ - đó là hình thức BHYT hộ gia đình cho những người không có hợp đồng làm việc. Khi tham gia BHYT hộ gia đình, nếu số tiền điều trị vượt mức đóng góp thì được bù đắp từ phần kết dư quỹ BHYT của những người đang làm việc.
Năm 2015 có 1.030.000 người tham gia BHYT hộ gia đình, đóng góp vào quỹ 603 tỉ đồng (đã sử dụng 2.309 tỉ đồng và thiếu 1.706 tỉ đồng). Sáu tháng đầu năm 2016 có 1.220.000 người tham gia BHYT hộ gia đình, đóng góp vào quỹ 301 tỉ đồng (đã sử dụng 1.299 tỉ đồng, thiếu 998 tỉ đồng). Nếu không tham gia BHYT thì không có cơ chế bù đắp chi phí khám chữa bệnh (KCB) thiếu hụt, không thể san sẻ từ các quỹ KCB còn thừa của nhóm đối tượng khác cho người dân.
Nhận thức được lợi ích này, nhất là từ khi tăng viện phí đợt 1 đến nay, trong 7 tháng đầu năm 2016, đã có 220.000 người tham gia BHYT hộ gia đình, nâng tổng số người tham gia BHYT hộ gia đình đến tháng 7-2016 tại TP HCM lên 1.250.000 người. Dự báo trong thời gian tới, số người tham gia BHYT hộ gia đình còn tăng nhanh. Mặc dù càng đông người tham gia BHYT hộ gia đình thì quỹ BHYT càng thiếu (vì mức chi quá cao so với mức thu). Để bảo đảm ổn định cuộc sống người dân trước áp lực tăng chi phí KCB, UBND TP HCM chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác vận động, giải thích đến người dân tham gia BHYT, bảo vệ sức khỏe, tăng diện bao phủ BHYT toàn dân theo chủ trương của Chính phủ.
Để tham gia BHYT hộ gia đình, người dân đăng ký tham gia tại đại lý thu BHYT ở UBND phường, xã, thị trấn nơi đang cư trú hoặc đại lý thu của bưu điện đặt tại các bưu cục và một số bệnh viện, phòng khám đa khoa có ký hợp đồng đại lý với bưu điện. Thủ tục: đại diện hộ gia đình lập tờ khai tham gia BHYT (TK1-TS) và danh sách đăng ký tham gia hộ gia đình (DK01). Các biểu mẫu do đại lý cung cấp. Người kê khai phải chịu trách nhiệm về nội dung kê khai. Khi đến nộp thủ tục tại các đại lý thu BHYT cần mang theo bản chính sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (để đối chiếu).
Mức đóng: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở/tháng = 54.450 đồng/tháng (một năm 653.400 đồng); người thứ 2, 3, 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất (mức đóng thấp nhất 261.360 đồng/năm). Đối với người mới tham gia thì làm thủ tục từ ngày 20 đến 25 mỗi tháng, thẻ BHYT có giá trị sau 30 ngày kể từ ngày đăng ký. Đối với thẻ gia hạn đúng hạn và gián đoạn dưới 3 tháng thì đăng ký trước ngày 20 của tháng và thẻ có giá trị ngay từ ngày 1 của tháng tiếp theo.
Mức hưởng đúng tuyến được thanh toán 100% chi phí KCB nếu chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở hoặc KCB tại tuyến xã. Được thanh toán 100% chi phí KCB khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Mức hiện nay là 7.260.000 đồng. Được thanh toán 80% chi phí KCB đối với các trường hợp khác. Trái tuyến: Tại bệnh viện tuyến trung ương được BHXH thanh toán 32% chi phí điều trị nội trú (80% x 40%); tại bệnh viện tuyến tỉnh được BHXH thanh toán 48% chi phí điều trị nội trú (80% x 60%); tại bệnh viện tuyến huyện được BHXH thanh toán 80% chi phí KCB (cả nội trú lẫn ngoại trú); khám tại nơi không ký hợp đồng với cơ quan BHXH nếu bệnh nhân có thẻ BHYT được thanh toán từ 60.000 đến 3.600.000 đồng mỗi lượt khám.