Khi phổi bị nhiễm, tế bào bạch huyết được huy động tới để đối phó, làm cho những phế nang chứa dịch có mủ và vi khuẩn hoặc virus bên trong, tạo ra những mầm bệnh viêm phổi. Bệnh cũng có thể lây lan do bệnh nhân ho và hắt hơi, người hít mầm bệnh vào hay tiếp xúc thông qua đồ vật có chứa mầm bệnh.
Nguyên nhân và triệu chứng
Viêm phổi có nhiều dạng khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:
- Viêm phổi do nhiễm vi khuẩn: Phổ biến nhất là khuẩn Streptococcus pneumoniae nhưng một số vi khuẩn khác cũng có thể gây viêm phổi.
- Viêm phổi do nhiễm virus: Có thể là hậu quả của virus hợp bào hô hấp (RSV) hoặc virus cúm dạng A và B.
- Viêm phổi do sặc: Do bệnh nhân hít phải thức ăn - có thể là chất lỏng hoặc rắn - vào phổi. Dạng viêm phổi này không lây.
- Viêm phổi mắc ở bệnh viện: Bệnh nhân tình cờ bị lây khi đến bệnh viện để điều trị bệnh khác.
Các triệu chứng và dấu hiệu viêm phổi thường giống nhau dù có nguyên nhân khác nhau và bắt đầu tương tự như cảm hoặc cúm. Tiếp theo đó là: sốt, ho kèm theo mủ hoặc đàm xanh, thở nông và thở gấp, run và ớn lạnh, đau thắt ngực, tim đập nhanh, mệt và yếu sức, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, đổ mồ hôi, đau cơ. Những triệu chứng này có thể ít nhiều khác biệt tùy theo từng dạng viêm phổi và tùy cá nhân.
Tiêm chủng ngăn nguy cơ nhiễm khuẩn là cách phòng tránh viêm phổi hiệu quả Ảnh: MNT
Viêm phổi có thể xảy ra đối với mọi người nhưng dễ mắc phải và nguy hiểm hơn là bệnh nhân dưới 5 tuổi và hơn 65 tuổi. Những người hút thuốc lá, uống rượu, mới bị cảm hoặc nhiễm cúm hay vừa được chữa ở đơn vị cấp cứu, dùng thuốc trị trào ngược dạ dày, suy dinh dưỡng, bị phơi nhiễm hóa chất, xơ nang, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh suyễn hoặc những người có hệ miễn dịch yếu dễ mắc viêm phổi hơn so với người bình thường.
Chữa trị và phòng ngừa
Việc chữa trị viêm phổi tùy thuộc vào dạng bệnh và mức độ nghiêm trọng ở bệnh nhân. Thầy thuốc thường hỏi về triệu chứng, tiền sử bệnh và có thể một số xét nghiệm về hình ảnh hoặc xét nghiệm máu cần được thực hiện. Nhiều trường hợp thông thường, viêm phổi do nhiễm khuẩn được chữa bằng thuốc kháng sinh. Trường hợp nhiễm virus, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, dùng nhiều nước và vài dạng thuốc kháng virus có thể được bác sĩ chỉ định. Viêm phổi do nhiễm nấm có thể được chữa trị bằng thuốc chống nấm. Thầy thuốc có thể chỉ định thuốc thông thường không cần kê toa để giảm triệu chứng viêm phổi như hạ sốt, giảm đau và giảm ho. Việc nghỉ ngơi và uống nhiều nước giúp đàm và chất nhờn đường thở của bệnh nhân giảm bớt, khiến họ dễ thở hơn. Thông thường, bệnh nhân sẽ khỏi trong vòng 1-3 tuần. Nhập viện là cần thiết nếu có triệu chứng nặng hoặc bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu hay có thêm bệnh khác. Khi nằm viện, bệnh nhân có thể được tiêm thuốc kháng sinh, truyền dịch, cung cấp thêm ôxy khi cần thiết.
Có hai loại vắc-xin để phòng ngừa bệnh phế cầu khuẩn - chứng bệnh phổ biến nhất dẫn tới viêm phổi do vi khuẩn. Hai loại thuốc đều có thể ngừa nhiều dạng nhiễm phế cầu khuẩn khác nhau và được chỉ định cho cả người lớn và trẻ em:
- Vắc-xin phế cầu khuẩn kết hợp (hoặc prevnar hay PCV13) thường là một phần trong loạt thuốc chủng ngừa cho trẻ sơ sinh. Thuốc thường được chỉ định cho trẻ dưới 2 tuổi hoặc người trên 65 tuổi hoặc trong độ tuổi nói trên nhưng có mắc thêm bệnh khác.
- Vắc-xin phế cầu khuẩn polysaccharide (hoặc Pneumovax hay PPSV23) thường được chỉ định cho trẻ em và người lớn dễ có nguy cơ bị nhiễm phế cầu khuẩn như người hơn 65 tuổi, bệnh nhân đái tháo đường, bệnh tim, phổi hay thận mạn tính, người dùng nhiều rượu và thuốc lá.
Vắc-xin có thể không hoàn toàn bảo vệ người cao tuổi khỏi bị viêm phổi nhưng có thể kéo giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh này và nhiễm trùng khác do khuẩn S. Pneumoniae gây ra. Ngoài ra, để phòng ngừa viêm phổi, các chuyên gia khuyên nên rửa tay thường xuyên, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, bỏ thuốc lá, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và nên tránh môi trường có thể có nhiều mầm bệnh.
Cách tự chăm sóc
Một số cách tự chăm sóc đơn giản giúp bệnh nhân mau hồi phục và tránh xảy ra biến chứng:
- Nghỉ ngơi, uống nhiều nước để tránh mất nước.
- Xem xét dùng thuốc hay có cách để giảm ho.
- Có thể dùng paracetamol hoặc aspirin để giảm đau, hạ sốt nhưng cần thận trọng hơn đối với trẻ em.
- Xem xét tiêm chủng nếu tự nhận thấy có yếu tố nguy cơ.