Khi lòng trắng mắt ngả sang màu vàng, thông thường đó là dấu chỉ báo có điều khác thường gây vàng mắt và có thể kèm theo vàng da. Hiện tượng này là do chất bilirubin - một chất thải từ mật - xuất hiện quá nhiều trong máu, khi đó nó có thể phủ quanh các mô da và mắt. Nguyên nhân gây vàng mắt và da có thể khác nhau ở trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn.
Ở trẻ sơ sinh
Hiện tượng vàng mắt và da rất thường gặp ở trẻ sơ sinh vì lá gan của trẻ còn non nớt. Bilirubin có thể đọng lại và vỡ ra gây vàng da và mắt nhưng phần lớn trường hợp như vậy là vô hại và có thể tự hết. Những nguyên nhân bình thường có thể gây vàng da và mắt ở trẻ sơ sinh hoặc vàng da sinh lý với nhiều trẻ mắc phải do gan của chúng vẫn đang phát triển và thường xuất hiện khi trẻ được từ 2 đến 4 ngày tuổi. Vàng da và mắt cũng có thể xảy ra khi lượng sữa mẹ không đủ xua tan bilirubin nhưng hiện tượng này thường sẽ khỏi khi trẻ nhận được đầy đủ sữa mẹ. Trường hợp khác có thể do chất nào đó trong sữa mẹ giữ bilirubin lại trong ruột của bé chứ không thải ra theo phân nhưng triệu chứng vàng mắt và da sẽ tự hết sau 12 tuần tuổi.
Tuy nhiên, theo trang tin Medical News Today, một số triệu chứng vàng da và mắt có thể xuất phát từ những nguyên nhân bệnh lý đáng lo ngại ở trẻ sơ sinh. Khi nhóm máu của mẹ và trẻ không tương thích nhau, cơ thể của mẹ sẽ tấn công vào tế bào hồng cầu của bé ngay từ trong bào thai. Vì kháng thể của thai phụ đã phá vỡ tế bào hồng cầu của trẻ trước khi sinh nên tình trạng vàng da và mắt xuất hiện ngay ngày đầu tiên trẻ chào đời. Đây là bệnh lý nghiêm trọng cần trị liệu và trường hợp nặng có thể xem xét thay máu. Trẻ sinh non cũng có nguy cơ bị vàng da và mắt cao hơn do gan của trẻ còn quá non yếu với nhiều trường hợp dễ bị vàng da và mắt nặng hoặc có kèm theo nguy cơ bệnh lý khác như xuất huyết nội. Nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng huyết, cũng có thể gây vàng da và mắt ở trẻ sơ sinh. Các chuyên gia lưu ý rằng tình trạng vàng da, vàng mắt sinh lý và bệnh lý đôi khi rất khó phân biệt.
Ở trẻ em và người lớn
Không giống như trẻ sơ sinh, vàng da và mắt ở trẻ em lớn tuổi hơn và người trưởng thành không phải là hiện tượng phổ biến và thường là điều đáng lo ngại. Ngoại trừ một số trường hợp do dùng nhiều rau quả có màu vàng hoặc cam có thể tự hết khi ngưng dùng dạng thực phẩm này, đa số triệu chứng vàng mắt và da thường do nhiều bệnh tật khác nhau và nhiều khi rất nghiêm trọng. Có 3 nguyên nhân chính gây vàng da và mắt là do bệnh gan hoặc tổn thương gan, do hồng cầu vỡ đột ngột khiến lượng bilirubin tăng sản sinh và do hệ thống ống mật bị tắc nghẽn khiến bilirubin không thể rời khỏi gan và tích tụ quá nhiều ở đó. Ba nguyên nhân nêu trên có thể liên quan đến những chứng bệnh cần được chữa trị kịp thời như viêm hoặc nhiễm trùng ở gan khiến gan không sản sinh biliburin một cách thích hợp. Tình trạng viêm hoặc tắc ống mật khiến mật không được phóng thích vào gan khiến gan không thể xử lý biliburin. Viêm hoặc nhiễm trùng tuyến tụy cũng khiến tụy bị sưng gây vàng da và mắt. Một bệnh khác về máu gây vàng da và mắt là do cơ thể phá vỡ tế bào hồng cầu, khiến bilirubin tăng - bệnh gây thiếu máu này còn gọi là thiếu máu huyết tán. Sốt rét cũng gây vàng da và mắt do muỗi mang máu nhiễm ký sinh trùng lây truyền. Điều đáng lưu ý là nhiều bệnh ung thư gây vàng da và mắt, đặc biệt là ung thư gan và tụy.
Một số triệu chứng đi kèm với vàng da và mắt được ghi nhận như: ngứa, cảm thấy khó chịu, đầy bụng, mệt mỏi, sốt, phân xanh, nước tiểu sẫm màu. Cần lưu ý các triệu chứng này có đi kèm với vàng da và mắt hay không và rất cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để loại trừ những bệnh nghiêm trọng. Cũng có hiện tượng vàng da và mắt ít nguy hiểm nhưng thường ít xảy ra. Giới chuyên môn ghi nhận hội chứng Gilbert - một bệnh di truyền về gan ảnh hưởng đến quá trình sản sinh bilirubin. Bệnh có khi đi kèm với hội chứng ruột kích thích nhưng được xem là ít gây hại cho sức khỏe tổng thể và ít gây biến chứng.
Ba nguyên nhân chính gây vàng da và mắt là do bệnh gan hoặc tổn thương gan, do hồng cầu vỡ đột ngột và do hệ thống ống mật bị tắc nghẽn.