Những loại chất béo này cơ thể không thể tổng hợp được và cũng có rất ít trong các nguồn thực phẩm từ động vật hoặc thực vật. Đây là những chất béo rất quan trọng do nó là thành phần cốt yếu tham gia vào sự phát triển não bộ, trí thông minh và mắt của trẻ. Trong cá chứa rất ít thành phần chất béo bão hòa gây hại cho cơ thể.
Nếu trẻ dưới 10 tháng tuổi thì chưa nên cho trẻ ăn cá vì hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa của trẻ lúc này chưa được hoàn thiện. Nếu trong gia đình có thành viên trước đây bị dị ứng thuốc hay thức ăn, hen suyễn hay những bệnh mạn tính khác thì hãy đợi cho trẻ đến lúc được 3 tuổi mới nên cho ăn cá. Nếu sau khi ăn cá mà trẻ bị môi sưng phồng, mặt phù nề, da phát ban, đau bụng buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, thở khò khè, quấy khóc chứng tỏ trẻ đã bị dị ứng cá, nên đưa trẻ đến bác sĩ.
Để trẻ ăn cá được an toàn, đầu tiên cho trẻ ăn một lượng ít, khoảng nửa thìa thịt cá đã được nấu chín và bỏ xương. Sau đó nghiền nhuyễn và cho trẻ ăn như một món ăn chính trong khẩu phần ăn. Có thể trộn cá cùng với khoai tây xay nhuyễn.
Nên chọn loại cá nào? Tốt nhất là loại cá có thịt màu trắng vì giúp dễ tiêu và ít nguy cơ bị dị ứng. Ví dụ cá chim, cá bơn, cá tuyết. Một số loại cá có chứa thủy ngân và nếu liều lượng thủy ngân trong cơ thể cao sẽ gây hại cho hệ thần kinh và não đang phát triển của trẻ. Các nhà khoa học hiện vẫn còn đang tranh luận lượng thủy ngân bao nhiêu trong cơ thể trẻ là gây hại. Tuy vậy, đa số đều cho rằng tốt nhất nên tránh cho trẻ ăn loại cá có nhiều thủy ngân như cá mập, cá kình, cá lưỡi kiếm (cá cờ), cá thu lớn, cá ngừ lớn.
Nên cho trẻ ăn các loại cá như cá hồi, cá thu nhỏ, cá ngừ nhỏ, cá basa vì chứa nhiều axít béo omega-3 hơn các loại cá khác. Gan cá giàu vitamin A, D tốt cho sự phát triển của mắt, hệ tiêu hóa. Hàu giàu kẽm vốn là chất cần để tăng trưởng và phát triển hệ sinh dục. Hải sản giàu canxi vốn cần cho phát triển xương, răng của trẻ như tôm, cua. Hải sản có vỏ như hàu, ngao, hến, trai nên cho trẻ 1 tuổi ăn bằng cách sau khi luộc xong thì lấy nước nấu cháo, còn thịt thì xay băm nhỏ. Hải sản giàu kẽm, đạm, giàu vitamin B và khoáng chất (canxi, đồng, sắt, kali…) cần cho việc đa dạng hóa chế độ ăn của trẻ, giúp trẻ tăng trưởng khỏe mạnh. Điều cần lưu ý là phải chọn hải sản còn tươi, không ăn hải sản chết vì có thể gây ngộ độc.
Lưu ý, trẻ ăn phải mật cá rất dễ bị ngộ độc và có thể nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt là mật cá trắm, cá chép. Trong mật cá có chứa tetrodotoxin tác động lên hệ thần kinh, gây mệt mỏi, suy hô hấp, rối loạn hành vi. Nói chung mật cá chép, cá trắm gây viêm, hoại tử ống thận cấp dẫn đến suy thận cấp, nếu không chữa kịp sẽ dẫn đến tử vong. Vì vậy cần bỏ mật, lòng cá và rửa cá sạch, nấu kỹ.