Nghi án người mẹ trẻ ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội sát hại con trai 33 ngày tuổi khiến dư luận không khỏi giật mình, xót xa khi nghi phạm được cho là mắc trầm cảm, có những hành vi tiêu cực.
Giải thoát bằng cái chết
Thống kê trên thế giới cho thấy tỉ lệ trầm cảm sau sinh đối với các bà mẹ khoảng 10%-20%, ở Việt Nam có thể lên tới 33%. Theo các chuyên gia tâm lý, trầm cảm sau sinh là vấn đề khá nghiêm trọng và phổ biến. Tuy nhiên hiện nay, vấn đề này chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng. Bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện (BV) Tâm thần Trung ương 1, cho biết phụ nữ sau sinh bước vào giai đoạn thay đổi lớn về tâm sinh lý nên một số bà mẹ xuất hiện rối loạn trầm cảm. Không chỉ thờ ơ với chính bản thân mình, họ cũng từ chối con, không cho con bú, thậm chí có hành vi ác với con, giết con. Cũng có trường hợp trầm cảm buồn chán, mất ngủ, tự sát...
Tuy nhiên, bác sĩ Cương cho biết bệnh nhân đến điều trị bệnh lý này không nhiều, bởi có thể là biểu hiện nhẹ, hầu hết sản phụ lấy lại được cân bằng tâm lý sau khi được gia đình chăm sóc, động viên... "Vì đây là tình trạng bệnh lý nên khi điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ cũng phải tư vấn, hướng dẫn cho gia đình trong việc chăm sóc, động viên người mẹ, đặc biệt lưu ý đến sức khỏe tâm thần của bà mẹ trong các lần sinh sau" - bác sĩ Cương nói.
Bác sĩ Cường kể về một bệnh nhân nữ 25 tuổi, ở Nam Định, đã phải nhập viện điều trị vì trầm cảm nặng sau sinh. Bệnh nhân được đưa vào BV trong tình trạng gầy gò, xanh xao, mắt trũng sâu, ngoại hình như đứa trẻ, chỉ còn 24 kg. Người nhà bệnh nhân cho biết từ khi sinh đứa con đầu, chị hay rón rén khó hiểu, rửa ráy liên tục, lẩm bẩm một mình, không chịu ăn uống nhưng thấy chị vẫn yêu chồng thương con nên gia đình ít để ý. Đến khi mang thai bé thứ hai, những biểu hiện này ngày càng nặng dần. Lúc này, gia đình mới đưa chị đi viện. "Đây là một ca bệnh điển hình của chứng trầm cảm sau sinh. Khi vào viện, bệnh nhân chống đối bằng cách không ăn, không nói, không hợp tác. Nhân viên y tế đã phải dùng biện pháp cho ăn qua ống xông, cho thuốc nghiền vào sữa. Sau 2-3 ngày, bệnh nhân mới hợp tác. Điều trị gần 1 tháng, bệnh nhân mới ổn định" - bác sĩ Cương chia sẻ.
Phụ nữ sau sinh cần được quan tâm nhiều hơn về mặt sức khỏe và tâm lý. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Bắt buộc điều trị
Theo GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, quá trình mang thai và sinh con có thay đổi rất lớn về tâm sinh lý, nội tiết tố với người phụ nữ. Thêm vào đó là tình trạng cuộc sống cũng thay đổi gây ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần. Ở một số người đã tiềm ẩn các vấn đề về sức khỏe tâm thần, khi có thêm các yếu tố tác động mạnh về tâm thần dẫn đến rối loạn, loạn thần, trầm cảm sau sinh. Một số trường hợp có thể tự sát, hủy hoại bản thân nhưng có người lại hung hãn, có hành vi mất kiểm soát đối với chồng, con. Đó là bệnh lý cần bắt buộc điều trị.
Bác sĩ Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe tâm thần BV Bạch Mai, cho biết trầm cảm diễn tiến âm thầm, kéo dài, thường có biểu hiện mệt mỏi, chán chường, bi quan, tiêu cực, thường nghĩ đến những gì xấu nhất như nghĩ mình không chăm con được, mọi việc do mình mà ra... Bệnh nhân trầm cảm không làm gì cũng mệt. Kèm theo đó là bệnh nhân giảm tập trung, trí nhớ thay đổi, ngủ ít hoặc ngủ nhiều. Đặc biệt, bệnh nhân giảm mọi nhu cầu ăn, chơi, tình dục, không thiết nói chuyện... Người bệnh cố gắng thoát nỗi buồn, ức chế, trì trệ của mình nhưng không làm được nên xuất hiện ý tưởng chán sống, muốn tự sát. Vì nghiên cứu rất kỹ phương thức tự sát nên người trầm cảm thường tự sát thành công. Những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh không muốn người thân như bố mẹ, chồng, con khổ, muốn người thân đi cùng nên thường sát hại người thân trước rồi mới tự sát" - bác sĩ Tâm nhấn mạnh.
Với trường hợp sản phụ sát hại con 33 ngày tuổi, bác sĩ Tâm cho rằng có thể bị bệnh loạn thần sau sinh. "Đây là bệnh lý liên quan trực tiếp đến quá trình thai sản, có thể là nguyên nhân trực tiếp, bệnh nhân có tổn thương, thay đổi về mặt hormone, nhiễm độc... cơ thể, ảnh hưởng đến chức năng não bộ" - bác sĩ Tâm lý giải.
Trầm cảm với phụ nữ sau sinh là một nguyên nhân gây tử vong thầm lặng. Vì vậy các chuyên gia tâm lý cho rằng hơn ai hết, người chồng, gia đình, người thân… cần gần gũi chia sẻ với sản phụ trong thời kỳ hậu sản để có thể tránh được những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra. Các nghiên cứu cho thấy với những người không có người thân chia sẻ trong giai đoạn này có nguy cơ bị trầm cảm gấp 5 lần so với người được chia sẻ.
TS-BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), cho biết một nghiên cứu gần đây của RTCCD trên 500 thai phụ ở Hà Nam (45,6% là nông dân) cho thấy có đến gần 40% thai phụ gặp các rối loạn tâm thần phổ biến ở giai đoạn đầu thai kỳ. Đến cuối thai kỳ, tỉ lệ này còn gần 29%. Trong khi đó tỉ lệ rối nhiễu tâm lý chung của người dân Việt Nam dao động khoảng 12%-15%. Các rối loạn cảm xúc mà các bà mẹ thường gặp là buồn bực, cảm thấy tội lỗi, chán nản, tự ti, giảm tập trung, khó chịu, lo lắng quá mức, cảm thấy lạc lõng, cô đơn, tuyệt vọng.