Cam là một trong số trái cây được trồng nhiều nhất trên thế giới và được sử dụng phổ biến do vị ngọt tự nhiên khi ăn quả, ép lấy nước uống hoặc chế biến thực phẩm. Trái cam chứa khoảng 170 thành phần hóa chất thực vật, hơn 60 dạng flavonoid - trong số này có một số chất mang lợi ích kháng viêm và tác dụng chống ôxy hóa.
Phòng chống nhiều bệnh tật
Theo ghi nhận của Hội Tim Mỹ, việc thường dùng các loại quả thuộc dạng cam chanh có thể giúp kéo giảm nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở phụ nữ, theo đó, người dùng nhiều cam, bưởi, quýt, chanh gặp nguy cơ nói trên thấp hơn 19% so với những người ít dùng các loại quả này. Cam có thể giúp hạ huyết áp ở người cao huyết áp do giàu hàm lượng kali - vốn là chất có tác dụng giãn mạch máu. Giới chuyên môn Mỹ khuyến cáo người trưởng thành nên dùng đủ nhu cầu 4.700 mg kali/ngày trong khẩu phần ăn bên cạnh duy trì lượng muối thấp để giúp giảm thiểu mức huyết áp một cách tự nhiên.
Một khảo sát của nhà khoa học Mỹ cho thấy chế độ ăn giàu kali có thể giúp giảm thiểu 20% nguy cơ tử vong do nhiều dạng bệnh tật. Dù cam có vị ngọt do chứa đường đơn như nhiều loại trái cây khác nhưng chỉ số đường huyết (GI) của cam thường chỉ ở mức 40. Các loại thực phẩm có GI dưới 55 được xem là thấp. Có nghĩa là khi dùng nhiều cam một lần cũng không làm tăng đường huyết hoặc có vấn đề với insulin hay tăng cân. Vì chứa nhiều chất xơ hòa tan nên cam cũng là loại trái cây giúp hạ cholesterol trong máu và giúp chống táo bón.
Cam có thể được chế biến và dùng kèm trong bữa ăn Ảnh: EVERYDAY HEALTH
Thí nghiệm của các nhà khoa Mỹ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Vùng Tây Mỹ, tại TP Albany (bang California) trên động vật và tế bào người cho thấy những hóa chất thực vật từ quả cam có thể giúp chống lại các dạng ung thư miệng, da, phổi, dạ dày, ruột kết và ung thư vú. Khảo sát của các nhà khoa học Mỹ tại ĐH Texas được công bố trên tờ Clinical Journal of the American Society of Nephrology cho thấy uống nước cam ép thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ sỏi thận.
Đa dạng dinh dưỡng
Một khẩu phần cam trung bình khoảng 154 g chứa 80 calo, 250 mg kali, 19 g carbohydrate, 1 g protein và không có chất béo. Khẩu phần ăn như vậy đáp ứng 130% vitamin C, 2% vitamin A, 6% canxi nhu cầu hằng ngày của cơ thể. Cam cũng chứa thiamin, riboflavin, niacin, vitamin B-6, folate, axít pantothenic, phốt-pho, magiê, mangan, selen và đồng. Một số chất dinh dưỡng khác như choline, zeaxanthin và carotenoid cũng được tìm thấy trong trái cam.
Do chứa nhiều vitamin C nên cam có thể phần nào giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, giúp da khỏe và nhiều lợi ích khác. Choline là chất dinh dưỡng quan trọng trợ giúp cho giấc ngủ, vận động của cơ, học tập và ghi nhớ. Choline cũng giúp duy trì cấu trúc màng tế bào, hỗ trợ dẫn truyền xung thần kinh, tham gia vào quá trình thẩm thấu chất béo và giúp giảm thiểu nguy cơ viêm mạn tính. Zeaxanthin và carotenoid có tác dụng chống ôxy hóa. Một số thí nghiệm đã cho thấy 2 dạng chất dinh dưỡng này có thể làm chậm quá trình phát triển ung thư mà đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt. Mặt khác, dù thành phần cam có tính axít nhưng bên cạnh đó còn chứa một số chất khoáng mang tính kiềm, giúp cân bằng trong quá trình tiêu hóa.
Một số trường hợp cần thận trọng
Tuy cam được xem là trái cây giàu dinh dưỡng nhưng giới thầy thuốc lưu ý một số trường hợp cần thận trọng khi ăn cam. Loại thuốc chẹn bêta được chỉ định khá phổ biến trong điều trị bệnh tim có tác dụng phụ là làm tăng mức độ kali trong máu, có thể gây tác hại cho bệnh nhân. Do đó, người uống thuốc chẹn bêta nên dùng vừa phải các loại trái cây chứa nhiều kali như cam và chuối. Việc có quá nhiều kali trong cơ thể cũng có thể gây hại cho bệnh nhân có chức năng thận hoạt động kém. Nếu thận không thể loại bỏ lượng kali dư thừa, cơ thể có thể gặp nguy hiểm. Mặt khác, những bệnh nhân bị trào ngược dạ dày - thực quản có thể nhận thấy triệu chứng ợ nóng hoặc buồn nôn tăng thêm khi dùng trái cây thuộc dạng cam chanh. Tuy nhiên, đáp ứng xảy ra thay đổi tùy theo cá nhân và nhiều bệnh nhân có thể vẫn dùng được cam.
Trái cây lâu đời trên khắp thế giới
- Cam được trồng đầu tiên tại Đông Nam Á, Đông Bắc Ấn Độ và có thể xa xưa nhất tại Nam Trung Quốc vào khoảng 2.500 năm trước Công nguyên.
- Vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, người La Mã mang cây con từ Bắc Phi về trồng ở Rome và từ đó lan sang châu Âu.
- Năm 1943, nhà thám hiểm Christopher Colombus mang hạt cam vượt Đại Tây Dương đến trồng ở đảo Canary và Haiti. Khoảng năm 1518, cam được trồng ở Panama và Mexico.
- Cam được trồng lần đầu tiên ở Mỹ là tại bang Florida vào năm 1543, do công của nhà thám hiểm Tây Ban Nha Juan Ponce de Leon.