Ai cũng biết bỏ thuốc lá là một quyết định không dễ đối với nhiều người. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là một bộ phận cán bộ - nhân viên y tế, những người ngày ngày chăm lo sức khỏe cho người khác, lại không bỏ được thói quen chết người này.
“Tảng băng chìm” trong bệnh viện
Một trong nhưng địa phương có tỉ lệ nhân viên y tế hút thuốc lá cao là TP HCM. Theo Ban Chủ nhiệm Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá Sở Y tế TP HCM, tại TP hiện có 649 điểm bán thuốc lá có phép và hơn 23.200 điểm bán thuốc lá không phép. Năm 2013, tại TP đã sản xuất hơn 2 tỉ bao thuốc lá (chiếm 37% sản lượng toàn ngành), nhập khẩu tiêu thụ 4 triệu bao thuốc lá (chiếm 45% sản lượng cả nước).
Bác sĩ Trần Lâm Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP HCM, thừa nhận hiện nay nhiều cán bộ công chức, viên chức, kể cả cán bộ y tế không quan tâm tới chiến dịch tuyên truyền phòng chống tác hại của khói thuốc. Và điều này, theo bà, “đã gây ra nhiều trở ngại cho trung tâm khi triển khai thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng thuốc lá tại môi trường công cộng và công sở”.
Biển cấm thuốc lá đặt khắp nơi trong Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu
Tại các cơ sở y tế, Sở Y tế đã chỉ đạo cho các đơn vị treo bảng cấm thuốc lá tại khuôn viên bệnh viện (BV), căng tin... Một số BV tư đã lắp cả camera để theo dõi và ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá tại BV, song chưa đem lại kết quả cao. Tình trạng trốn vào nhà vệ sinh để hút thuốc đã trở nên phổ biến tại các BV trên địa bàn TP. Thậm chí, có cả một số bác sĩ chẳng chút ngại ngùng phì phèo thuốc lá trong BV.
Bác sĩ Đinh Văn Hiệp, Ban Chủ nhiệm Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá Sở Y tế TP HCM, dẫn thêm các số liệu khiến cho những người hành nghề y đáng suy ngẫm. Hiện nay còn 21,59% nhân viên y tế tại các BV công lập TP HCM hút thuốc lá. Đây là “tảng băng chìm” tồn tại trong lòng BV. Nhiều người cho rằng không thể chấp nhận những người chuyên lo công tác bảo vệ sức khỏe cho người khác nhưng lại không bỏ được thói quen gây chết người thầm lặng. Mục tiêu của ngành y tế TP giảm tỉ lệ hơn 21% nói trên xuống 16% trong năm 2015 đang gặp nhiều thách thức.
Quyết liệt như “thiết quân luật”
Theo Bộ Y tế, để thực hiện tốt việc phòng chống tác hại thuốc lá không ai làm tốt hơn thầy thuốc. Trong khi hoạt động phòng chống thuốc lá trong ngành y tế nhiều nơi còn khó khăn thì cũng có những nơi triển khai thực hiện tốt. Đó là tỉnh Nam Định với 2 BV là Đa khoa Hải Hậu và Đa khoa Mỹ Lộc, đây là điểm sáng điển hình đáng được các cơ sở y tế khác nêu gương. Theo đó, BV Đa khoa Hải Hậu đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện môi trường BV không khói thuốc một cách đồng bộ, triệt để từ lãnh đạo đến Công đoàn toàn BV, giống như áp dụng “thiết quân luật” đối với toàn thể CBCNV tại đây.
Bác sĩ Hoàng Mạnh Việt, Giám đốc BV Đa khoa Hải Hậu, cho biết BV đã đưa quy định này vào nghị quyết với 100% cán bộ ký cam kết không hút thuốc lá. Cụ thể, trước hết, y - bác sĩ phải đi đầu không hút thuốc và có trách nhiệm tuyên truyền, giải thích cho người bệnh, thân nhân tác hại của thuốc lá; treo biển cấm khắp BV; hằng ngày phát loa cấm hút thuốc lá liên tục trong BV... Ngoài ra, không hút thuốc lá được xác định là một trong tiêu chí bình bầu thi đua. Biện pháp chế tài là hạ mức thi đua, trừ tiền thu nhập nếu vi phạm cũng như không nhắc nhở bệnh nhân, thân nhân tuân thủ các quy định của BV...
Còn tại BV Đa khoa Mỹ Lộc, Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại của thuốc lá đã được thành lập. Sau đó, BV tổ chức cho tất cả CBCNV viết bản cam kết với nội dung: Gương mẫu thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá; nếu vi phạm sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật của Đảng đối với đảng viên hoặc chịu kỷ luật theo quy định của Luật Viên chức. Đồng thời cam kết nhận kỷ luật với các hình thức khác như: Thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm (nếu có); chấp hành điều động công tác sang vị trí khác trong phạm vi đơn vị đang công tác; không đề nghị nâng lương thường xuyên; không được xét danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng trong 3 năm liên tiếp kể từ năm vi phạm; tự nguyện chấm dứt hợp đồng (đối với người lao động có hợp đồng ngắn hạn)...
Mất hơn 45.000 tỉ đồng/năm vì thuốc lá Theo bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), hiện nay, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn bởi thuốc lá là một sản phẩm gây nghiện, giá còn rẻ, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc của người dân còn hạn chế. Theo nghiên cứu của Đại học Y tế công cộng, tình hình vi phạm chung các quy định về quảng cáo khuyến mãi thuốc lá vẫn phổ biến tại các tỉnh năm 2015. Cụ thể: Hải Dương 77,5%; Thái Bình 91,9% và Khánh Hòa là 96,5%. Doanh thu mang lại từ thuốc lá cho ngân sách chỉ khoảng 20.000 tỉ đồng mỗi năm nhưng chi phí điều trị bệnh do thuốc lá lên tới 23.139 tỉ đồng/năm, chưa kể chi phí do người tiêu dùng bỏ ra mua thuốc lá lên tới 22.000 tỉ đồng/năm. |
Bài và ảnh: XUÂN THU