Khi chúng ta dùng rượu hoặc thức uống chứa cồn, gan sẽ lọc chất cồn ra khỏi máu vì cồn vốn là chất độc phải thải trừ. Cơ thể chúng ta hấp thu cồn nhanh hơn thực phẩm, tức cồn đi vào máu nhanh hơn. Tuy nhiên, gan chỉ có thể xử lý với tốc độ hạn chế, trung bình khoảng 1 đơn vị cồn/giờ. Nếu chúng ta uống hơn 2 đơn vị trong 1 giờ, BAC tăng tương ứng và nếu cứ uống thêm nữa, BAC cứ thế tăng thêm và tăng cao đến mức xảy ra nhiều rủi ro.
Uống quá nhanh, quá nhiều
Uống rượu nhanh và nhiều khiến BAC tăng quá cao đến mức các chức năng thể chất và tâm thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơi thở, nhịp tim và hoạt động khác của cơ thể - vốn được điều khiển bằng nhiều dạng tế bào thần kinh - không vận hành bình thường. Bệnh nhân có thể bị ngạt thở, nhịp tim đập bất thường. Nếu BAC tăng lên cao đến mức độ nào đó, một số chức năng của cơ thể ngưng hoạt động, bệnh nhân có thể ngưng thở và hôn mê. Ngay cả khi đã ngừng dùng rượu, BAC trong máu vẫn tiếp tục tăng thêm từ 30-40 phút sau đó và tình trạng sẽ tồi tệ hơn nếu uống quá nhiều. Những dấu hiệu và triệu chứng sau đây cho thấy quá trình từ say rượu đến ngộ độc rượu:
- Tâm trí lẫn lộn, hạ thân nhiệt, da tái nhợt, có thể xuất hiện những đốm xanh trên da.
- Bệnh nhân ngớ ngẩn, mất ý thức, thở rất chậm, nôn nhiều.
- Ở một số trường hợp nặng, bệnh nhân có thể ngưng thở hoàn toàn hoặc có thể xảy ra cơn đau tim.
- Nguy cơ nghiêm trọng khác là bị ngạt sau khi nôn do bệnh nhân hít chất nôn vào phổi dẫn đến đe dọa tính mạng.
- Tình trạng hạ thân nhiệt cũng có khả năng trở nên nguy hiểm.
- Nếu đường huyết hạ xuống quá thấp, bệnh nhân có thể bị co giật.
Đa số trường hợp ngộ độc rượu là do người dùng rượu quá chén, uống quá nhiều và quá nhanh nhưng cũng có thể do thể trạng bệnh nhân không tốt hoặc do dùng loại thuốc nào đó tương tác với rượu. Cũng có khi ngộ độc rượu do nhầm lẫn uống phải dung dịch có chứa cồn, đặc biệt rủi ro này dễ xảy ra ở trẻ em hơn. Mặt khác, nguy cơ trong rượu có chất độc hại hoặc do tác động của rượu dẫn đến những hành vi nguy hiểm không bị xem là ngộ độc rượu nhưng cũng có mức độ tác hại rất cao.
Sơ cứu và chữa trị
Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS) khuyến cáo nên gọi xe cứu thương trong trường hợp có người bị ngộ độc rượu và có thể thực hiện những biện pháp trợ giúp cần thiết trước khi bệnh nhân được cấp cứu như sau:
- Cố gắng giữ bệnh nhân trong trạng thái tỉnh táo.
- Nên để bệnh nhân ở tư thế ngồi, không nên nằm.
- Nếu bệnh nhân không tỉnh táo nên thường xuyên xem họ còn thở hay không.
- Nếu bệnh nhân có thể nuốt dễ dàng, nên cho uống nước và không nên cho uống cà phê vì có thể gây mất nước thêm.
Tại bệnh viện, tùy vào mức độ BAC cũng như dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhân mà nhân viên y tế theo dõi và điều trị cho đến khi nồng độ cồn hạ. Một ống dây có thể được đặt vào khí quản giúp bệnh nhân dễ thở. Bệnh nhân có thể được truyền dịch kèm theo glucose và các vitamin thiết yếu nhằm ngăn chặn tình trạng mất nước. Một số trường hợp nặng cần được đặt ống thông tiểu khi bệnh nhân không kiềm chế tiểu tiện hoặc có khi bệnh nhân cần được bơm dịch từ trong dạ dày ra ngoài. Nếu bệnh nhân - thường là trẻ em - vô tình uống phải cồn methanol hoặc isopropyl, họ cần được lọc thận để tăng cường sự thải độc khỏi hệ thống cơ thể.
Một đơn vị cồn hoặc một suất rượu
được quy định tương đương với:
- 355 ml bia (thông thường chứa khoảng 5 độ cồn).
- Khoảng 237 ml đến 266 ml rượu ngọt (chứa khoảng 7 độ cồn).
- 148 ml rượu vang (khoảng 12 độ cồn).
- 44 ml rượu mạnh (khoảng 40 độ cồn).
Giới chuyên môn lưu ý sự pha trộn các loại thức uống chứa cồn có thể khó kiểm soát nồng độ và khiến cơ thể chuyển hóa cồn lâu hơn.