Các dạng statin được cơ quan y tế Mỹ cho phép lưu hành bao gồm atorvastatin, fluvastatin, lovastatin, pravastatin, rosuvastatin, simvastatin và pitavastatin. Những loại thuốc này đều có tác dụng ngăn chặn một dạng enzyme ở gan là HMG-CoA reductase - vốn sản sinh ra cholesterol.
Hiệu quả được khẳng định
Trang tin MNT dẫn nhiều nghiên cứu cho thấy tác dụng của statin như biện pháp bổ sung để phòng ngừa bệnh tim mạch và hậu quả tiếp theo đó như cơn đau tim và đột quỵ. Nghiên cứu tại Bắc Âu mang tên The Scandinavian Simvastatin Survival Study (4S) đã khảo sát việc sử dụng simvastatin ở 4.444 người từng bị cơn đau tim, kèm mức độ cholesterol trong máu cao và được theo dõi trong vòng hơn 5 năm. Simvastatin đã kéo giảm 25% mức độ cholesterol tổng và 35% mức độ cholesterol xấu (LDL). Tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân dùng giả dược là 12% trong khi tỉ lệ này ở người dùng simvastatin chỉ ở mức 8% và ít có tác dụng phụ đáng kể xảy ra. Nghiên cứu 4S kết luận rằng việc điều trị bằng simvastatin lâu dài được xem là an toàn và cải thiện sự sống còn ở bệnh nhân đau tim.
Một thử nghiệm khác mang tên The Cholesterol and Recurrent Events (CARE) liên quan đến 4.159 bệnh nhân mạch vành và có mức độ cholesterol trung bình. Kết quả cho thấy việc hạ mức độ LDL từ trung bình xuống thấp bằng thuốc pravastatin đã giảm đáng kể số lượng sự cố tim mạch so với dùng giả dược. Theo đó, trong 5 năm, pravastatin có thể giúp hạ 20% mức độ cholesterol tổng và 28% mức độ LDL. Bệnh nhân dùng pravastatin giảm 24% nguy cơ thiệt mạng do bệnh tim mạch hoặc bị cơn đau tim nhưng không tử vong, cũng như giảm 31% nguy cơ đột quỵ. Thử nghiệm CARE đi đến kết luận việc trị liệu bằng pravastatin đã kéo giảm gánh nặng thêm do bệnh tim mạch ở bệnh nhân có tiền sử bị cơn đau tim. Một nghiên cứu khác về việc dùng pravastatin ở 9.014 bệnh nhân từng bị cơn đau tim và có mức độ cholesterol khác nhau, nhằm đánh giá tác dụng của pravastatin lên nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cũng cho kết quả khả quan. Sau 5 năm theo dõi, nhóm nghiên cứu nhận thấy pravastatin có thể giúp kéo giảm 18% mức độ cholesterol tổng và 25% mức độ LDL so với những người dùng giả dược. Bệnh nhân dùng pravastatin có nguy cơ thiệt mạng do bệnh mạch vành hoặc sự cố tim mạch không gây tử vong thấp hơn 24%, bị cơn đau tim thấp hơn 29% và bị đột quỵ thấp hơn 19% so với người dùng giả dược.
Nhiều nghiên cứu nêu mối liên quan giữa việc kéo giảm mức độ LDL với khả năng giảm thiểu rủi ro tim mạch Ảnh: MNT
Tác dụng phụ ra sao?
Statin thường được xem là an toàn và dung nạp tốt nhưng cũng như nhiều loại thuốc khác, statin cũng có thể gây tác dụng phụ ở một số trường hợp. Đau cơ và chứng chuột rút được ghi nhận có thể xảy ra ở khoảng 5% bệnh nhân dùng thuốc. Đổi loại statin khác hay giảm liều có thể là cách thức hiệu quả trong trường hợp này. Statin cũng có thể làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường type 2 ở một số ít bệnh nhân. Một nghiên cứu của các chuyên gia y tế Canada nêu khả năng dùng statin liều cao có thể gây suy thận. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo không nên chỉ định thuốc statin cho phụ nữ mang thai.
Tuy nhiên, một nghiên cứu tổng kết của nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Mỹ (CDC) được công bố hồi năm 2016 trên tạp chí The Lancet cho rằng tác dụng phụ của việc dùng statin có thể đã bị phóng đại quá đáng. Nhóm nghiên cứu căn cứ vào dữ liệu của Khảo sát Kiểm tra Sức khỏe và Dinh dưỡng quốc gia Mỹ từ năm 2005 đến 2012 và kết luận rằng nếu cần cân nhắc thì những lợi ích của statin được xem vượt trội hơn nguy cơ phản ứng phụ mà nó có thể mang lại. Công trình này và những nghiên cứu tương tự lấn át quan điểm về rủi ro của statin, phần nào trấn an thầy thuốc và bệnh nhân rằng lợi ích phòng tránh cơn đau tim và tử vong do bệnh tim đáng kể hơn nhiều so với những lo ngại về an toàn.
Những tác giả nghiên cứu đồng ý rằng tác dụng phụ nghiêm trọng rất hiếm xảy ra. Những bằng chứng nghiên cứu đã cho thấy statin an toàn và hiệu quả với số đông và nếu bệnh nhân đã có tiền sử đau tim hay đột quỵ thì statin nên được kê toa mà không cần tính đến mức độ cholesterol có cao hay không. Ngoài ra, những nghiên cứu gần đây cho thấy việc dùng statin cũng có thể kéo giảm nguy cơ tắc nghẽn huyết khối tĩnh mạch sâu từ 15%-25% và giảm nguy cơ bệnh Alzheimer từ 12%-15%.
Điều cần lưu ý là để kéo giảm mức độ cholesterol trong máu và giảm nguy cơ bệnh tim mạch, không nên chỉ dựa vào statin mà việc thay đổi lối sống như ăn uống lành mạnh, luyện tập thể dục và bỏ hút thuốc lá vẫn là những biện pháp then chốt.
Nếu bệnh nhân đã có tiền sử đau tim hay đột quỵ thì statin nên được kê toa mà không cần tính đến mức độ cholesterol có cao hay không.