Đây là loại cây thân gỗ cứng chắc, to cao 12-15 m, vỏ thân nhẵn, cành non có lông màu gỉ sắt, cành già màu nâu đen. Hoa màu hồng tươi, mọc thành chùm thõng xuống, dài tới 20-40 cm. Quả hình trụ, cong như lưỡi liềm đường kính 3-4 cm, dài 50-60 cm; phần cơm màu nâu đen đặc sền sệt chứa trong quả ô môi này được dùng ngâm rượu làm thuốc để uống bồi bổ sức khỏe.
Mùa thu, khi quả ô môi chín, hái quả về, bỏ vỏ, bỏ hạt, chỉ lấy cơm ngâm rượu. Rượu ô môi được người dân dùng làm thuốc bổ, giúp tiêu hóa và ăn ngon miệng; ngoài ra còn có tác dụng chữa đau lưng, đau xương.
Ngoài việc ngâm rượu uống, còn có thể lấy cơm quả ô môi nấu cao mềm làm thuốc uống kích thích tiêu hóa, nhuận tràng. Người ta đã phân tích thành phần hóa học thấy trong cơm quả ô môi có glucid, chất nhày, tanin, saponin, canxi oxalat, antraglucozit, tinh dầu và chất nhựa.
Trái ô môi khi già khô cứng để trong nhà vài năm vẫn không bị hư. Ở nhiều chợ miền Nam có bán trái ô môi, được bó lại như bó củi. Trẻ em nông thôn rất thích ăn quả này, chúng thường cạo lấy lớp cơm ăn trực tiếp.
Để tham khảo và áp dụng, dưới đây xin giới thiệu vài phương thuốc được sử dụng từ quả ô môi:
- Làm thuốc bổ: Giúp tiêu hóa và ăn ngon miệng, ngoài ra còn có tác dụng chữa đau lưng, đau xương. Trung bình một quả ô môi có thể ngâm với 500 ml rượu đế 25-30 độ cồn. Ngâm trong 15-20 ngày là dùng được nhưng càng để lâu càng tốt. Liều dùng: Ngày uống 2 lần, mỗi lần một chén nhỏ trước bữa ăn.
- Chữa thấp khớp: Vỏ ô môi 50 g, dây đau xương 100 g, cốt toái bổ 100 g, nhục quế 30 g. Ngâm trong 1.000 ml rượu đế 30-40 độ cồn trong 15-20 ngày. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần từ 30-60 ml.
- Trị lở ngứa da, lang ben, hắc lào (lác): Lấy lá ô môi giã nát xát tại chỗ hoặc giã nát ngâm với rượu tỉ lệ 1/1 để bôi ngày vài lần.