Thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2016, tại nhiều địa phương, chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT gia tăng một cách bất thường. Số chi cho KCB tăng tới gần 50% trong khi số thẻ BHYT chỉ tăng từ 10%-17%.
Hơn 20 tỉnh bội chi
Báo cáo mới nhất về tình hình thực hiện công tác KCB BHYT của BHXH Việt Nam cho thấy tính đến cuối tháng 7-2016, ước tính tổng số lượt KCB trên toàn quốc đạt gần 61,2 triệu lượt với số tiền chi KCB gần 29.000 tỉ đồng (tăng khoảng 7 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2015). Trong đó, số chi phí KCB tính theo giá mới hơn 2.374 tỉ đồng.
Phân tích kết quả kiểm soát KCB BHYT chính sách thông tuyến theo Luật BHYT (sửa đổi), ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam - cho biết tại một số địa phương như Thanh Hóa, Hưng Yên, Vĩnh Phúc..., chi phí KCB BHYT gia tăng một cách bất thường. “Trong 6 tháng đầu năm, mức tăng chi phí KCB tại các tỉnh này lên tới 48%-49%, trong khi số thẻ BHYT chỉ tăng 10%-17%; cùng với đó là tình trạng gia tăng đột biến số lượt điều trị nội trú và gia tăng chi phí cao tại các bệnh viện (BV) tuyến huyện, BV chuyên khoa tuyến tỉnh và cơ sở KCB tư nhân. Tại tỉnh Thanh Hóa, các BV huyện có mức tăng chi phí nội trú cao từ 75% đến 132%; các BV tư nhân có mức tăng đột biến khi có BV tăng hơn 200% đến 348%...” - ông Phúc dẫn chứng.
Theo lãnh đạo cơ quan bảo hiểm, nguyên nhân chính là tăng giá viện phí và mở rộng quyền lợi cho người tham gia KCB BHYT. Cùng với đó là những bất cập chưa được khắc phục trong công tác giám định BHYT, kiểm soát chi phí KCB BHYT sử dụng trang thiết bị xã hội hóa...
Tính toán của BHXH Việt Nam cho thấy với tốc độ tăng chi phí KCB 6 tháng đầu năm, chi KCB BHYT toàn quốc sẽ khoảng 69.000 tỉ đồng, bội chi so với kế hoạch được giao gần 5.000 tỉ đồng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, đã có hơn 20 tỉnh bội chi quỹ KCB BHYT.
Lúng túng giám định BHYT điện tử
Cuối tháng 6-2016, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã khai trương cổng dữ liệu y tế và hệ thống thông tin giám định BHYT, chính thức đưa vào vận hành hệ thống giám định điện tử. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn chứng một ví dụ được phản ánh trên báo chí: “Có những người 1 tuần chạy đi 9 điểm để KCB lấy thuốc và nếu việc này diễn ra trên diện rộng thì thất thoát là rất lớn”. Tuy nhiên, việc áp dụng phần mềm giám định BHYT điện tử sẽ giúp kết nối giữa BHYT và các cơ sở KCB trong việc quản lý tài chính, cấp phát thuốc cũng như KCB được minh bạch, rõ ràng, hạn chế tối đa việc lạm dụng quỹ BHYT.
Bên cạnh đó, quy trình khám bệnh sẽ rành mạch, ngắn gọn, dễ cho người bệnh khi đi KCB và được cung cấp những thông tin cụ thể về mặt quyền lợi, đặc biệt là thông tin về chi phí; giảm thiểu những chi phí từ tiền túi của người bệnh mà chi phí đó đã được quỹ BHYT chi trả.
Lãnh đạo của một BV cho hay trong KCB có hơn 10.000 danh mục thuốc, vật tư y tế, mỗi danh mục phải gắn với một mã cố định nên việc thay đổi này đòi hỏi có nhiều thời gian hơn để triển khai các công tác liên quan. Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, nhận định: “Giám định BHYT điện tử là công cụ tích cực để ngăn chặn và hạn chế đến mức tối đa tình trạng gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT mà trước đây bằng những biện pháp giám định thủ công không thể phát hiện được hết. Nếu các cơ sở KCB thực hiện nghiêm túc việc ứng dụng hệ thống giám định BHYT điện tử thì sẽ bảo đảm được quyền lợi cho người bệnh và hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng quỹ BHYT”.