Phụ nữ ở tuổi nào cũng có thể bị đau vú nhưng người trẻ thường bị nhiều hơn so với những phụ nữ đã mãn kinh. Triệu chứng đau có thể được nhận thấy ở cả hai bên, chỉ một bên vú hoặc bên trong nách. Bệnh nhân có thể thấy đau nhẹ hoặc đau nhiều, căng, buốt hoặc đau thắt ở mô vú. Thay đổi hormone từ những sự cố bình thường như kinh nguyệt, mang thai, tiết sữa, mãn kinh đều có thể gây đau.
Những nguyên nhân chủ yếu
Theo trang tin Medical News Today, kích cỡ và hình dạng khác thường của vú có thể liên quan với nguy cơ đau vú cao hơn các trường hợp thông thường khác. Những thay đổi do sự phát triển ống dẫn và tuyến sữa khi nang vú hình thành cũng có thể gây đau ở một số người. Nang vú là những túi chứa dịch có thể mềm hoặc cứng, thường to hơn lúc có kinh nguyệt và không biến đổi nữa khi đến tuổi mãn kinh. Việc dùng một số loại thuốc cũng có thể dẫn tới đau vú như thuốc chữa vô sinh, thuốc ngừa thai, thuốc bổ sung estrogen hoặc progesterone, thuốc chống trầm cảm, thuốc trợ tim, Methyldopa, Spironnolactone, Anadrol, Chlorpromazine và một số loại thuốc lợi niệu. Bệnh nhân đau vú cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc để xem có phải là do tác dụng phụ của thuốc đang dùng hay không. Bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật vú và mô sẹo hình thành sau phẫu thuật cũng có thể dẫn tới đau vú. Đau vú cũng có thể do xơ nang vú. Phụ nữ tiền mãn kinh và phương pháp chữa trị bằng hormone cho phụ nữ mãn kinh cũng có thể khiến vú nổi u, căng hoặc sưng do tích tụ dịch là những hiện tượng thường gặp của bệnh xơ nang vú. Viêm vú cũng là bệnh gây đau, thường xảy ra do ống dẫn sữa bị nghẽn trong quá trình tiết sữa. Tuy nhiên, bệnh này không chỉ xuất hiện ở phụ nữ đang cho con bú. Triệu chứng liên quan với viêm vú thường bao gồm sốt, đau nhức và mệt mỏi. Vú có thể bị sưng, nóng, đỏ và đau.
Ung thư vú ít khi gây đau nhưng một số trường hợp có thể gây viêm và khối u có thể dẫn tới đau hoặc khó chịu ở vú. Tuy nhiên, phụ nữ cần đến thầy thuốc trong những trường hợp như phát hiện nổi cục bất thường ở vú; đầu vú thay đổi khác thường, chảy máu; đau vú không rõ nguyên nhân; những triệu chứng nhiễm trùng như sưng đỏ, có mủ hoặc sốt. Một bệnh khác có thể gây nhầm lẫn với đau vú nhưng thực ra không liên quan đến vú là viêm sụn sườn - một dạng viêm khớp tại chỗ nối giữa xương sườn và xương ức. Nguyên nhân khác gây đau đơn giản là mặc áo ngực không vừa vặn khiến bầu vú không được nâng lên một cách thích hợp.
Hai dạng đau và cách kiểm soát
Đau vú có thể được chia làm 2 loại là theo chu kỳ và không tùy thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt. Đau theo chu kỳ gắn liền với chu kỳ kinh nguyệt và thường đau nhiều nhất vào khoảng 2 tuần trước khi xuất hiện kinh nguyệt. Dạng đau này tương đối phổ biến với khoảng 75% trong tổng số các trường hợp và thường xảy ra ở độ tuổi từ 20 đến 40. Bệnh nhân cảm thấy đau ở vùng trên và gần ngoài vú hoặc ở nách. Bệnh nhân xơ nang vú cũng đau theo chu kỳ kinh nguyệt và triệu chứng đau có thể hết sau lúc hết kinh nguyệt. Trong khi đó, dạng đau vú không liên quan với chu kỳ kinh nguyệt thường xảy ra ở phụ nữ mãn kinh và hơn 40 tuổi. Bệnh nhân có thể thấy đau liên tục hoặc gián đoạn, đau thắt, nhức buốt ở một vùng nào đó ở vú. Cơn đau có thể rất nghiêm trọng, gây hôn mê và tổn thương.
Bệnh nhân nên báo với thầy thuốc để xác định nguyên nhân đau vú và xem đó có phải trường hợp đáng lo ngại hay không. Dù các biện pháp tự chăm sóc khi đau vú đôi khi không được khuyến khích nhưng một số cách đơn giản có thể giúp hạn chế và phòng ngừa đau vú như lựa chọn áo ngực phù hợp cả ngày và có thể xem xét mặc vào lúc ngủ nếu thấy dễ chịu. Chọn áo nịt ngực thể thao khi tập luyện thể dục thể thao. Hạn chế thức uống chứa caffeine, muối và chất béo cũng như giữ thể trọng lành mạnh. Dùng nhiều rau quả, hạt cũng như có thể bổ sung các vitamin B6, B1, E. Có thể xem xét giảm đau bằng aspirrin, acetaminophen hoặc ibuprofen. Áp dụng các phương pháp thư giãn để giảm lo âu và căng thẳng. Ghi nhận triệu chứng đau dưới hình thức nhật ký để xem đó là đau có chu kỳ hay không theo chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc xem cách tự chăm sóc có thích hợp không hay đòi hỏi phải được bác sĩ chữa trị.