Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Phòng bệnh tay chân miệng
Đây là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của người bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi; đặc biệt tập trung ở trẻ dưới 3 tuổi. Biểu hiện chính của bệnh là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối… Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngoài Việt Nam, Trung Quốc, dịch bệnh tay chân miệng còn xuất hiện tại nhiều quốc gia khác như Mỹ, Singapore, New Zealand...
Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71), trong đó các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71. Ở miền Bắc, thủ phạm gây bệnh tay chân miệng chủ yếu là virus Coxsackie và do khí hậu mát hơn nên EV71 không bùng phát và gây ra biến chứng nặng, trong khi tại các tỉnh phía Nam, bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm. Sau giai đoạn ủ bệnh 3-7 ngày, bệnh sẽ khởi phát từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Sang giai đoạn toàn phát, các triệu chứng điển hình của bệnh như loét miệng; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; sốt nhẹ, nôn... có thể kéo dài từ 3-10 ngày. Đặc biệt, khi trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng thần kinh (viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não), tim mạch - hô hấp (viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch).
Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, cả người lớn và trẻ em nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tả và làm vệ sinh cho trẻ. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân nên thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín, bảo đảm vật dụng ăn uống phải được rửa sạch trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi), sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng; thường xuyên lau sạch các bề mặt dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng, sau đó khử trùng bằng dung dịch chứa chlor: Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử trùng khác; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc thân mật như hôn, vuốt ve với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần phải đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Bệnh tay chân miệng thường xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ khi mắc bệnh
Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ nên cần theo dõi trẻ, phát hiện sớm và điều trị biến chứng. Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay khi thấy trẻ có những dấu hiệu sốt nổi bóng nước ở miệng, bàn tay, bàn chân, mông... Nếu được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng, cần cách ly trẻ ngay và thông báo cho trường học, địa phương để có biện pháp khử khuẩn môi trường xung quanh, hạn chế tối đa khả năng lây lan bệnh tạo nên ổ dịch. Trẻ bị bệnh cần được theo dõi sát nhiệt độ, tri giác, giấc ngủ, chế độ dinh dưỡng cân bằng hợp lý, tái khám đúng hẹn. Nếu bác sĩ quyết định cho nhập viện, hãy nhập viện ngay để trẻ được theo dõi trong môi trường bệnh viện để tránh biến chứng. Còn nếu trẻ được về nhà, nên theo dõi thường xuyên và cho nhập viện lại nếu có dấu hiệu trở nặng biến chứng thần kinh, tim mạch hô hấp, sốt cao trên 39 độ C, nôn nhiều.
Cần có chế độ chăm sóc trẻ bị tay chân miệng một cách hợp lý, giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ thật tốt. Tắm trong phòng kín gió với xà phòng sát khuẩn đồng thời vệ sinh răng, lưỡi, niêm mạc miệng bằng nước muối sinh lý hằng ngày. Theo dõi giấc ngủ xem trẻ có giật mình, run cơ, bứt rứt hay co giật không.
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng vì trẻ bị bệnh tay chân miệng sẽ bỏ ăn. Hơn nữa, sự xuất hiện của các nốt bọng nước mọc trong miệng, dưới lưỡi, trên niêm mạc miệng khiến trẻ đau, khó nuốt, dễ mất nước. Cần động viên, khuyến khích trẻ uống nước nhiều hoặc ăn thức ăn mềm, nước trái cây, sữa để bổ sung đủ vitamin. Nguyên tắc chung cho bữa ăn của trẻ là đầy đủ 4 nhóm chất: bột, đạm, dầu, rau.
Đối với các trường học, khi có trẻ mắc bệnh tay chân miệng, nhà trường cần có biện pháp vệ sinh khử khuẩn trường lớp kịp thời, cho học sinh nghỉ học tạm thời nếu có nhiều trẻ bị biến chứng nặng.
Phòng tránh bệnh tay chân miệng
Bước 1: Làm ướt bàn tay, lấy 3-5 ml dung dịch rửa tay hoặc chà bánh xà phòng lên lòng và mu hai bàn tay, xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho xà phòng dàn đều.
Bước 2: Đặt lòng và các ngón của bàn tay này lên mu bàn tay kia và chà sạch mu bàn tay và kẻ các ngón tay (từng bên).
Bước 3: Đặt lòng hai bàn tay vào nhau, chà sạch lòng bàn tay và kẻ ngón tay.
Bước 4: Móc hai bàn tay vào nhau và chà sạch mặt mu các ngón tay.
Bước 5: Dùng lòng bàn tay này xoay và chà sạch ngón tay cái bàn tay kia và ngược lại.
Bước 6: Chụm đầu các ngón tay của bàn tay này và chà sạch đầu các ngón tay vào lòng bàn tay kia và ngược lại, rửa sạch tay dưới vòi nước, sau đó dùng khăn sạch thấm khô tay.