Thông thường, khi người và động vật phơi nhiễm với nicotine thì nhịp tim, tỉ suất tiêu thụ oxygen của cơ tim và khối lượng chu kỳ tim đều tăng. Về mặt tâm lý, nicotine làm tăng cảm giác tỉnh táo, sảng khoái và thư giãn. Đây là chất gây nghiện mà Hội Tim Mỹ khuyến cáo là một trong những chất khó từ bỏ nhất. Người quen dùng từ bỏ đột ngột có thể gặp một hoặc vài cảm giác như trống trải, âu lo, trầm cảm, buồn rầu, mất ổn định và mất tập trung.
Tác hại nhiều mặt
Trang tin MNT dẫn những nghiên cứu gần đây cho thấy nicotine có thể làm tăng khuynh hướng tạo thành huyết khối, xơ vữa động mạch, phì đại động mạch chủ, co thắt phế quản; gây run và đau cơ, đau khớp cũng như tăng insulin. Tác động lên đường tiêu hóa, nicotine có thể gây nôn, khô miệng, khó tiêu, tiêu chảy, ợ nóng, gây loét và ung thư. Tác động đến hệ thần kinh trung ương, nicotine có thể khiến giấc ngủ bị rối loạn, nhức đầu, chóng mặt nguy cơ hạn chế dòng máu chảy lên não, dễ bị kích thích và tăng khả năng hành động nông nổi. Nicotine làm nhịp tim có thể tăng hoặc giảm; làm tăng khả năng loạn nhịp tim; gây hẹp mạch vành, làm tăng huyết áp. Đối với người mang thai, nicotine có thể gây những tác hại như đái tháo đường type 2, béo phì, cao huyết áp, rối loạn chức năng hô hấp, khuyết tật về hành vi thần kinh và vô sinh cho đứa con trong bụng mẹ khi đã trưởng thành.
Nicotine có cả 2 tác dụng an thần và kích thích. Người dùng cảm thấy “sảng khoái” một phần do nicotine tác động lên tuyến thượng thận, làm phóng thích adrenaline (apinephrine). Sự kích thích này nhanh chóng tiết glucose đồng thời khiến nhịp tim, nhịp thở và huyết áp tăng. Nicotine cũng làm giảm tiết insulin ở tuyến tụy dẫn đến tăng đường huyết.
Nicotine là hóa chất chủ yếu gây độc hại trong lá cây thuốc lá Ảnh: MNT
Dược thảo hoàng hậu
Mặt khác, nicotine khiến não tiết thêm dopamine - dạng hóa chất liên quan đến khoái cảm - đồng thời làm tăng acetylcholine và norepinephrine là những hóa chất tạm thời giúp cải thiện trí nhớ, sự tập trung và tỉnh táo. Nicotine còn làm tăng mức độ beta-endorphine, giúp làm giảm lo âu. Chính do những đặc trưng này mà đại sứ Pháp tại Bồ Đào Nha Jean Nicot de Villemain đã gửi hạt giống cây thuốc lá từ Brazil về Pháp năm 1560 và thuốc lá được nghiền thành bột cho Hoàng hậu Pháp Catherine de Medici hít để trị chứng đau nửa đầu. Tên ông Nicot được đặt cho hóa chất này và cây thuốc lá có thời được xưng tụng là dược thảo hoàng hậu (Herba Regina theo tiếng Latin). Đến năm 1828, 2 nhà khoa học Đức Wilhem Heinrich và Karl Ludwig Reinmann chiết xuất nicotine từ thuốc lá, cảnh báo rằng đó là chất độc. Nicotine được tổng hợp lần đầu tiên vào năm 1904. Thuốc lá bắt đầu được sử dụng ở châu Âu rồi lan ra hầu như toàn thế giới. Ngoài hút thuốc lá, người dùng có thể hấp thu nicotine bằng cách hít, đặt dưới lưỡi hoặc dán ngoài da.
Theo báo cáo của Sở Y tế cộng đồng bang Massachusetts của Mỹ, các công ty thuốc lá đã cho tăng dần nồng độ nicotine trong thuốc lá gần 10% từ năm 1998 đến 2004. Hàm lượng nicotine trong thuốc lá càng cao, người hút càng khó bỏ thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có hơn 1 tỉ người trên thế giới hút thuốc lá thường xuyên.
Sản phẩm thay thế có thể độc hơn hút thuốc lá Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ tại Trung tâm Sản phẩm Thuốc lá thuộc Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Mỹ mới được công bố trên Tạp chí Cancer Epidemiology, Biomarkers & Prevention cho thấy các chế phẩm thay thế thuốc lá dạng không hút có thể gây tác hại hơn cả hút thuốc lá. Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu trên 23.684 người, phát hiện khoảng 7,1% người dùng các sản phẩm thay thế thuốc lá dùng để hít, nhai, ngậm. Các nhà khoa học phát hiện những dấu chỉ cơ thể cho thấy sự phơi nhiễm với nicotine và chất độc gây ung thư NKK ở nhóm người dùng sản phẩm thay thế thuốc lá cao hơn những người hút thuốc lá. Nhóm nghiên cứu lên tiếng cảnh báo nguy cơ này, lưu ý rằng khuynh hướng dùng các sản phẩm đó đang tăng, đặc biệt là ở giới trẻ. |
Trúc Lâm