Cách đây ít ngày, bé Tr.B.D, 17 tháng tuổi, ở Hà Tĩnh, được gia đình đưa vào Khoa Nhi Bệnh viện (BV) Đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu trong tình trạng viêm phổi rất nặng. Sau khi đánh giá tình trạng bệnh, bé D. được chuyển ra BV Nhi trung ương để cấp cứu tiếp.
Uống nhầm chất độc vì ngỡ là nước ngọt
Theo người nhà bệnh nhi, trong lúc tự chơi một mình, không có người lớn giám sát, khi khát nước, cháu đã lấy một chai nước ngọt và tu một hơi nhưng đây lại là chai dầu hỏa được bố cháu đựng vào vỏ chai nước ngọt. Kết quả chụp X-quang cho thấy phổi của cháu tổn thương rất nặng do uống phải dầu hỏa.
Trước đó không lâu, các bác sĩ BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cũng tiếp nhận bệnh nhi T.T.U, 13 tháng tuổi, nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, suy hô hấp, da tái, nhiễm trùng nặng… Tuy nhiên, tình trạng bệnh ngày càng nặng, trẻ được chuyển lên BV Nhi trung ương. Người nhà bệnh nhi cho biết trẻ đã lấy chai nước ngọt trong đó có chứa dầu luyn (dầu nhớt) để uống. Sau hơn 2 tuần điều trị tích cực sức khỏe, bệnh nhi mới hồi phục.
Trường hợp ngộ độc của bé L.B.V (2 tuổi, ở Cao Bằng) cũng rất hy hữu. Trong lúc chơi một mình, bé đã uống một chai nước nhặt được ngoài đường. Bé V. nhập viện trong tình trạng khó thở, ho, suy hô hấp, nôn nhiều, đau bụng. Thăm khám và xét nghiệm phát hiện bé bị chảy máu đường tiêu hóa. Sau khi bệnh nhi được xuất viện, các bác sĩ vẫn không xác định được bé uống phải hóa chất gì do gia đình không lưu giữ lại chai nước mà trẻ uống phải. Một trường hợp khác là bệnh nhi Ng.A.V (5 tuổi, ở Tuyên Quang) bị ngộ độc rượu. Trước đó, bé sang nhà hàng xóm chơi, thấy một chai C2 để dưới gầm bàn, bé V. đã uống khoảng nửa chai. Ngay sau khi uống, gia đình thấy bé mặt đỏ, nôn, người co giật, hơi thở có nhiều mùi rượu, nên đã đưa đến BV cấp cứu.
Cấp cứu bệnh nhân ngộ độc hóa chất tại BV Nhi trung ương
Không tùy tiện gây nôn cho trẻ
Các bác sĩ BV Bạch Mai cũng cho biết BV từng cấp cứu rất nhiều trường hợp trẻ uống nhầm hóa chất như nước rửa móng tay, uống nhầm dầu máy khâu, dầu hỏa...
Bác sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu - Chống độc BV Nhi trung ương, cho biết trẻ thường uống nhầm phải hóa chất nằm ở độ tuổi từ 2-5 tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ rất tò mò, muốn khám phá những thứ xung quanh, vì thế, khi bố mẹ sơ suất để hóa chất gần tầm với của trẻ mà trẻ vô tình uống phải, gây ra những hậu quả đáng tiếc. Những loại hóa chất thường gặp như chất ăn mòn, chất tẩy rửa bồn cầu hoặc các chất đánh bóng bề mặt, gây ra tổn thương ở niêm mạc đường tiêu hóa, bỏng ở vùng miệng xuống đến thực quản, thậm chí đến dạ dày. Nếu trường hợp nặng, có thể gây loét và thủng dạ dày ở trẻ khi không xử lý kịp thời. Ngoài ra, xăng và dầu hỏa cũng là những thứ giống nước, gây lầm tưởng cho trẻ dẫn đến tình trạng viêm phổi do hít phải và có thể bị rất nặng.
Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, Phó trưởng Khoa Cấp cứu - Chống độc BV Nhi trung ương, uống phải dầu hỏa để lại hậu quả rất nặng nề, có thể gây tổn thương phổi, thậm chí là suy hô hấp chỉ vài ngày sau uống. Do vậy, việc phát hiện, sơ cứu đúng, kịp thời là vô cùng quan trọng để tránh những hậu quả đáng tiếc. "Thông thường khi thấy trẻ bị ngộ độc chất dạng lỏng, một số trường hợp bố mẹ móc họng cho con nôn với hy vọng là những chất độc hại sẽ được tống ra ngoài. Những chất gây ăn mòn hay chất bay hơi như xăng, dầu hỏa thì việc gây nôn là không có hiệu quả, vì như thế sẽ làm cho các chất độc hại lan rộng ra và gây bỏng đường tiêu hóa, đường hô hấp, gây bỏng thực quản có khả năng dẫn đến suy hô hấp cực kỳ nguy hiểm" - bác sĩ Duy nói. Với trẻ uống nhầm xăng, axít, chất tẩy rửa, tuyệt đối không được gây nôn mà chỉ nên cho nạn nhân uống vài ngụm nước nhỏ để tránh bỏng rát cổ họng. Phải uống từ từ, tránh bị sặc nước nếu không tình trạng càng nguy kịch hơn. Nếu trẻ uống nhầm thuốc diệt cỏ lại phải gây nôn càng sớm càng tốt. Cho nạn nhân uống nước và kích thích họng gây nôn. Khi nôn nên đặt đầu nạn nhân thấp để tránh bị sặc vào phổi, đồng thời nằm nghiêng để tránh chất độc chảy vào khí quản gây tắc thở. Sau đó, cho nạn nhân uống than hoạt tính hoặc uống đất sét hấp thụ paraquat để giảm bớt độc tố và đưa trẻ đến ngay trung tâm chống độc của các BV.
Theo bác sĩ Duy, khi phát hiện trẻ uống nhầm hóa chất, bố mẹ phải bình tĩnh, nên đưa trẻ đến BV càng sớm càng tốt. Tốt nhất nên mang theo những loại hóa chất trẻ uống phải để bác sĩ có thể xác minh và có phương pháp điều trị hiệu quả.
Các bác sĩ cho biết rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ uống nhầm hóa chất độc là do người lớn tận dụng các chai nước ngọt hoặc chai nước uống để chứa hóa chất. Do vậy, nếu sử dụng các vỏ chai cần được để tại những nơi kín đáo, tránh xa tầm với của trẻ em, không để trong khu vực trẻ em thường vui chơi, qua lại...